An toàn phòng chống cháy, nổ đối với hệ truyền dẫn điện của Hải quan được quy định ra sao?
An toàn phòng chống cháy, nổ đối với hệ truyền dẫn điện của Hải quan quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Quyết định 1509/QĐ-TCHQ năm 2016 về Quy chế Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện trong ngành Hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành, cụ thể như sau:
- Dây dẫn điện phải chịu được cường độ dòng điện ≥ 2,5 lần dòng điện lớn nhất của tải sử dụng. Độ cách điện thông thường ≥ 1MW. Các dây dẫn phải được treo cao qua vật đỡ và được buộc gọn gàng, đi ngầm phải trong ống gen chống cháy chống côn trùng, không được kéo căng quá mức cho phép. Trong công trình, nhà cửa chỉ được dùng dây dẫn có bọc cách điện, không được dùng dây trần để truyền dẫn điện. Khuyến khích các đơn vị tăng cường sử dụng toàn bộ dây dẫn có bọc cách điện cả trong nhà và ngoài trời, có đường dây tiếp mát cho các thiết bị dùng điện.
- Các Điểm đấu nối phải đảm bảo tốt việc tiếp xúc truyền dẫn, không cháy rỉ, sinh nhiệt, lộ hở.
- Phải lắp đặt các bộ ngắt điện tự động (aptomat) tổng và riêng cho từng khu vực sử dụng. Dòng điện bảo vệ của aptomat phải phù hợp với tải sử dụng. Các bộ ngắt điện đặt ngay hoặc gần (tối đa không quá 3m) tại Điểm phân nhánh dây.
Lưu ý: không bố trí các thiết bị đóng, cắt điện (bằng tay hay tự động) trong vùng nguy hiểm nổ (nơi đặt, chứa gaz; xăng dầu; có khí metan...) đề phòng tia lửa của thiết bị gây kích nổ. Cấm đặt cầu chì trên dây trung tính của mạng trung tính trực tiếp nối đất.
- Các công tắc, ổ cắm cố định, ngắt điện không được gắn, lắp trực tiếp mà phải được lắp đặt trên panen (tấm, đế) chuyên dùng trước khi gắn lên tường, vách cột đỡ treo... Nếu ở khu vực ngoài trời phải được đặt trong hộp, tủ bảo vệ kín tránh ảnh hưởng trực tiếp của mưa, nắng, gió...
- Thường xuyên kiểm tra, sớm phát hiện các nguyên nhân có thể gây mất an toàn trên đường truyền như ảnh hưởng do thời Tiết gây ngấm, ẩm, nước, gây lão hóa, rạn nứt vỏ cách điện, do sinh vật gây hại xâm nhập.
- Các dây dẫn nếu bắt buộc phải đi dưới nền, sàn nhà thì không được để vướng lối đi, bị kẹt vào chân cửa, tủ, bàn hay đồ đạc. Hạn chế tối đa việc phải đi dây điện trực tiếp dưới thảm lót sàn hay vật lót dễ cháy, dễ sinh nhiệt.
Trên đây là thông tin mà bạn thắc mắc. Ban biên tập thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật