Tiêu chuẩn Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường

Thắc mắc của bà Nguyễn Thị Kim Long (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) như sau: Tiêu chuẩn Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường được quy định cụ thể ra sao? Tôi có thể tham khảo vấn đề này ở đâu? Xin chân thành cảm ơn chuyên viên. (0166***)

Tiêu chuẩn Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường được quy định tại Chương I Tiêu chuẩn Chi cục trưởng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành kèm theo Quyết định 50/2008/QĐ-BCT như sau:

Điều 1. Vị trí, chức trách

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là cấp tỉnh) đồng thời là Phó Giám đốc Sở Công Thương, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Công Thương và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý, điều hành hoạt động của Chi cục Quản lý thị trường; chịu sự chỉ đạo của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và pháp luật quy định.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Lãnh đạo, quản lý điều hành Chi cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra kiểm soát việc thực hiện và chấp hành pháp luật các hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ, chất lượng hàng công nghiệp lưu thông trên thị trường; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thương mại cho các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thương mại và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

2. Chỉ đạo việc xây dựng và đề xuất với Giám đốc Sở Công Thương và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch, biện pháp về tổ chức thị trường, bảo đảm lưu thông hàng hoá theo pháp luật, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Thay mặt Giám đốc Sở Công Thương tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan có chức năng quản lý thị trường, chống buôn lậu, chống sản xuất - buôn bán hàng giả, hàng cấm và các hoạt động kinh doanh trái phép khác ở địa phương.

4. Chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động của Chi cục theo chức năng, nhiệm vụ. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời theo quy định.

5. Giải quyết theo thẩm quyền các đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kiểm tra của các Đội Quản lý thị trường và Kiểm soát viên thị trường.

6. Chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của đơn vị và công chức Quản lý thị trường thuộc địa phương.

7. Quản lý và thực hiện các chế độ chính sách đối với công chức trong Chi cục theo phân cấp quản lý cán bộ; quản lý tài chính, tài sản, xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết cho hoạt động của Chi cục và các Đội Quản lý thị trường trực thuộc.

8. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường giao.

Điều 3. Phẩm chất

1. Yêu nước, kiên định đường lối đổi mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân.

2. Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung thực, thẳng thắn; không lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích riêng; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

3. Có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao; có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; gương mẫu chấp hành pháp luật, quy chế công tác của công chức Quản lý thị trường và nội quy của cơ quan.

4. Đoàn kết, dân chủ, chân tình với đồng nghiệp, đồng sự; gắn bó mật thiết với nhân dân, được tập thể và nhân dân nơi cư trú tín nhiệm.

Điều 4. Năng lực

1. Có bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp vững vàng; có năng lực tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động của Chi cục Quản lý thị trường hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Có khả năng tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất với Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường để báo cáo Bộ Công Thương và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, những vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật và các biện pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường ở địa phương.

3. Có khả năng tổ chức phối hợp với các cơ quan liên ngành để thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường trên địa bàn.

4. Có khả năng truyền đạt, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác quản lý thị trường.

Điều 5. Kiến thức

1. Nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

2. Nắm vững những kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, pháp luật có liên quan và chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

3. Nắm vững nguyên tắc, thủ tục, quy trình nghiệp vụ, thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

4. Am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương, trong nước và thế giới.

Điều 6. Trình độ

1. Tốt nghiệp đại học.

2. Có chứng chỉ bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngạch kiểm soát viên chính thị trường.

3. Có trình độ lý luận chính trị cao cấp.

4. Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ B trở lên. Đối với tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên người biết tiếng dân tộc thiểu số.

5. Sử dụng thành thạo tin học văn phòng phục vụ công tác.

Điều 7. Các tiêu chuẩn và điều kiện khác

1. Có 5 năm công tác trở lên trong ngành công thương, phải có ít nhất 3 năm làm công tác quản lý thị trường.

2. Có đầy đủ hồ sơ, lý lịch cá nhân rõ ràng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.

3. Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.

4. Không bổ nhiệm đối với cán bộ đang trong thời gian bị thi hành kỷ luật từ khiển trách trở lên.

5. Có đủ sức khoẻ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 50/2008/QĐ-BCT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào