Hợp tác hải quan song phương và đa phương
Hợp tác hải quan song phương và đa phương được quy định tại Điều 11 Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 380/QĐ-TCHQ năm 2018 như sau:
Hoạt động hợp tác hải quan song phương và đa phương cần đảm bảo các nguyên tắc nêu tại Điều 2 của Quy chế này, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Các cam kết quốc tế về song phương, đa phương trong lĩnh vực hải quan phải được theo dõi thực hiện, giám sát chặt chẽ việc thực thi nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia và tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của Hải quan Việt Nam.
- Việc đàm phán xây dựng các cam kết quốc tế về song phương và đa phương trong lĩnh vực hải quan phải nằm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và nguồn lực của Tổng cục Hải quan theo quy định của Luật Hải quan và pháp luật hiện hành.
- Các hoạt động hợp tác quốc tế phải đảm bảo thực chất, có chiều sâu, phục vụ trực tiếp cho công cuộc cải cách hiện đại hóa ngành thông qua các chương trình xây dựng năng lực, nguồn hỗ trợ phát triển, chuyên gia kỹ thuật và gắn với hoạt động nghiệp vụ trong quản lý nhà nước về hải quan theo các cam kết về trao đổi thông tin, điều tra xác minh, hợp tác nghiệp vụ, đặc biệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vận chuyển trái phép các chất ma túy và hàng cấm qua biên giới.
- Trọng tâm hợp tác song phương với cơ quan hải quan của các nước láng giềng và các đối tác kinh tế thương mại quan trọng của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại, khuyến khích và thu hút đầu tư và đảm bảo thực thi pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.
Trên đây là nội dung quy định về việc hợp tác hải quan song phương và đa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 380/QĐ-TCHQ năm 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật