Khi xả nước thải vào nguồn nước thì phải có giấy phép
Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp,… chứa rất nhiều chất bẩn và chất độc hại, nếu thải trực tiếp vào nguồn nước không qua xử lý sẽ làm cho nguồn nước bị ôi nhiễm. Hiện nay, nhiều sông ở nước ta bị ôi nhiễm như sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sài Gòn – Đồng Nai…nguyên nhân là do chưa quản lý được việc xả nước thải ra các con sông này. Các nguồn nước có đặc điểm là tự làm sạch và pha loãng nồng độ các chất thải, tuy nhiên khả năng tự làm sạch và pha loãng của chúng bị hạn chế, nếu chúng ta xả nước thải quá mức sẽ gây nhiễm bẩn, ô nhiễm nguồn nước. Để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ chất lượng nguồn nước cần kiểm soát việc xả nước thải vào nguồn nước.
Khi cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, cơ quan cấp phép sẽ xem xét, quyết định tổng lượng nước thải xả vào nguồn nước, nồng độ các chất xả thải và chế độ xả thải để đảm bảo chất lượng nước trong nguồn tiếp nhận nước thải vẫn đáp ứng yêu cầu cho các mục đích sử dụng của các tổ chức, cá nhân đang khai thác nước và đồng thời đảm bảo môi trường cho sự phát triển của hệ sinh thái trong nguồn tiếp nhận.
Nếu không thực hiện việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, các đơn vị xả nước thải vào nguồn nước sẽ thực hiện việc xả nước thải một cách tùy tiện, dẫn đến nguồn nước tiếp nhận nhanh chóng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.
Khi nguồn nước bị ô nhiễm thì việc khôi phục là rất khó khăn, đòi hỏi phải tốn nhiều kinh phí, nhiều công sức vào trong thời gian dài (đặc biệt là đối với nguồn nước dưới đất).
Vì vậy, Cấp phép xả nước thải vào nguồn nước là công cụ đắc lực nhất để kiểm soát và quản lý các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước luôn đáp ứng các yêu cầu sử dụng cho các mục đích xác định (như ăn uống, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản) và bảo đảm môi trường sinh thái trong các nguồn nước tiếp nhận nước thải.
Thư Viện Pháp Luật