Có được nhượng quyền thương mại lại cho bên thứ ba không?
Theo quy định hiện hành thì nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
- Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Hoạt động nhượng quyền thương mại được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng. Hợp đồng phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Các bên tham gia hợp đồng nhượng quyền thương mại có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thương mại hiện hành và theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà không trái với quy định của pháp luật.
Trong đó, Điều 289 Luật Thương mại 2005 quy định: Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền thương mại không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Ngoài ra, Điều 290 Luật này cũng xác định:
"1. Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
2. Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật Thương mại 2005."
=> Căn cứ quy định trên đây thì bên (thương nhân) nhận quyền thương mại được thực hiện nhượng quyền lại cho bên thứ ba (bên nhận lại quyền thương mại) khi có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.
Do đó, đối với trường hợp của bạn thì nếu trong hợp đồng nhượng quyền thương mại giữa bạn và bên nhượng quyền không có thỏa thuận về việc bạn có được nhượng quyền lại cho bên thứ ba hay không, thì bạn phải liên hệ với bên nhượng quyền để thỏa thuận và đề nghị họ chấp nhận cho bạn nhượng quyền lại cho bên thứ ba. Trong trường hợp, bên nhượng quyền đồng ý thì bạn phải yêu cầu họ có văn bản chấp thuận cụ thể để làm căn cứ cho các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai.
Trên đây là quan điểm giải đáp của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật