Giải đáp thắc mắc về trợ cấp sửa chữa nhà ở đối với người có công
Thứ nhất điều kiện được hỗ trợ nhà ở:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2013/TT-BXD thì đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành.
2. Đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15 tháng 6 năm 2013 (ngày Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành) tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong các điều kiện sau:
a) Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới;
b) Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà.
Như vậy, hộ gia đình được hỗ trợ về kinh phí sửa chữa nhà ở cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Hộ gia đình có người có công sinh sống và đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương trước ngày 15/06/2013;
– Có tên trong danh sách người có công với cách mạng;
– Nhà ở hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung – tường và thay mới mái nhà.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn là cán bộ tiền khởi nghĩa nhưng chúng tôi không xác định được hiện tại bố bạn có thuộc danh sách những người có công với cách mạng hay không và những điều kiện khác như hộ khẩu thường trú của gia đình bạn có đáp ứng được điều kiện đăng ký trước ngày 15/6/2013 hay không nên không thể khẳng định chắc chắn với bạn gia đình mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ để sửa chữa nhà ở hay không. Do vậy, bạn căn cứ những điều kiện trên đây để xác định hộ gia đình của mình có thuộc diện được hỗ trợ không, hoặc để được giải đáp cụ thể nhất, mình có thể liên hệ UBND nhờ cung cấp thông tin chi tiết.
Thứ hai về mức hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, nếu đáp ứng điều kiện để được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, mức hỗ trợ sẽ được áp dụng theo quy định sau:
Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 98/2013/TT-BTC quy định về mức hỗ trợ:
“Điều 4. Đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn vốn thực hiện
2. Mức hỗ trợ về nhà ở từ ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương):
– 40 (Bốn mươi) triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở hiện có bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mới;
– 20 (Hai mươi) triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở hiện có.”
Như vậy thì mức hỗ trợ này cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào hiện trạng nhà ở hiện tại của gia đình để đánh giá và thực hiện.
Thứ ba về thủ tục đề nghị hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở
1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Đơn đăng ký hỗ trợ nhà ở;
– Biên bản kiểm tra hiện trạng, điều kiện nhà ở thuộc đối tượng được hỗ trợ của UBND cấp xã;
– Giấy tờ chứng minh là người có công với cách mạng;
– Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
– Chứng minh thư nhân dân (bản sao có chứng thực);
2. Nơi nộp hồ sơ: Gia đình bạn muốn được hỗ trợ một phần để xây dựng hoặc sửa lại nhà ở, gia đình bạn có thể làm hồ sơ gửi lên Ủy ban Nhân dân cấp xã. Sau đó Ủy ban nhân dân cấp xã đối chiếu, lập danh sách các hộ được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt kế hoạch hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trước khi làm hồ sơ thì mình vẫn nên liên hệ Ủy ban xã trước để biết mình có thuộc đối tượng được hỗ trợ hay không bạn nhé.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn. Nội dung hỗ trợ chỉ mang tính chất tham khảo, bạn vui lòng xem chi tiết tại các văn bản pháp luật có liên quan để nắm rõ hơn vấn đề.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật