Lập dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn NSNN hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật
Việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn NSNN hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật được quy định tại Điều 7 Quy định trình tự và thủ tục trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Tư pháp quản lý ban hành kèm theo Quyết định 189/QĐ-BTP năm 2012 như sau:
1. Chủ đầu tư lập dự án đầu tư theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Trường hợp dự án có tổng mức đầu tư ≤ 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất) chủ đầu tư tổ chức lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP.
Trường hợp dự án sửa chữa, bảo trì công trình có chi phí dưới 500 triệu đồng thì chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền sở hữu lập kế hoạch sửa chữa với các nội dung sau: tên bộ phận công trình hoặc thiết bị cần sửa chữa, thay thế; lý do sửa chữa hoặc thay thế, mục tiêu sửa chữa hoặc thay thế; khối lượng công việc; dự kiến chi phí, dự kiến thời gian thực hiện và thời gian hoàn thành theo quy định tại Khoản 4, Điều 10 Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng.
2. Quy mô đầu tư
a) Đối với các dự án đầu tư xây dựng trụ sở và kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, việc xác định quy mô đầu tư được căn cứ theo Quyết định số 226/QĐ-BTP ngày 23 tháng 9 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy định cụ thể về quy mô đầu tư xây dựng và các yêu cầu cơ bản đối với phương án thiết kế xây dựng công trình trụ sở làm việc và kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 29 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Tập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tiên lượng dự toán mẫu kho vật chứng thi hành án dân sự địa phương;
b) Đối với các dự án đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ, quy mô đầu tư được tính toán trên cơ sở quy mô công suất đào tạo và tổ chức bộ máy biên chế trong Đề án thành lập được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các tiêu chuẩn định mức về diện tích theo quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành;
c) Đối với các dự án xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Bộ sẽ xem xét cụ thể trên cơ sở quy mô biên chế hiện tại, nhu cầu phát triển, đặc thù riêng của đơn vị và các tiêu chuẩn định mức về diện tích làm việc theo quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành để quyết định.
3. Nội dung Dự án đầu tư, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật
a) Nội dung dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 6, 7, 8 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Điều 4, 5 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các quy định hiện hành của pháp luật;
b) Nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Xây dựng, Điều 13 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Điều 4, 5 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và các quy định hiện hành của pháp luật;
c) Hình thức lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình thực hiện theo quy định tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi số 38/2009/QH12; Điều 15 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; khoản 4, Điều 1 Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ; Thông tư số 23/TT-BXD ngày 16 tháng 7 năm 2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi tuyển và tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.
Trường hợp dự án được áp dụng hình thức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình, chủ đầu tư trước khi tiến hành triển khai thiết kế cơ sở phải gửi phương án thiết kế kiến trúc được lựa chọn về cơ quan quyết định đầu tư để xem xét và cho ý kiến. Thời gian xem xét và cho ý kiến đối với phương án thiết kế kiến trúc tối đa là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định.
4. Trường hợp, dự án được xây dựng trên khu đất có diện tích từ 50.000 m2 trở lên thì chủ đầu tư phải tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết; điều kiện, năng lực của tổ chức tư vấn, cá nhân tham gia lập quy hoạch chi tiết; nội dung đồ án quy hoạch chi tiết và các nội dung khác có liên quan thực hiện theo các quy định tại: Luật Quy hoạch Đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng về Quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị; Thông tư số 17/2010/TT-BXD ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị và các quy định hiện hành khác có liên quan.
Chủ đầu tư trước khi gửi đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, phải báo cáo Bộ Tư pháp (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để xem xét, cho ý kiến.
Trên đây là nội dung quy định về việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn NSNN hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 189/QĐ-BTP năm 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật