Thủ tục cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ VAN
Thủ tục cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ VAN được quy định tại Khoản A Mục V Phần II Thông tư 78/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính do Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Tiêu chí để được cấp Giấy công nhận
1.1. Yêu cầu về chủ thể
a) Là doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư của doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin;
b) Có kinh nghiệm trong việc xây dựng giải pháp công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp; giải pháp để thực hiện việc trao đổi dữ liệu điện tử giữa cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp, cụ thể:
b1. Có tối thiểu 05 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng giải pháp công nghệ thông tin hoặc phát triển phần mềm;
b2. Đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin thành công cho tối thiểu 50 doanh nghiệp;
b3. Đã triển khai hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử để phục vụ việc trao đổi dữ liệu điện tử giữa các chi nhánh của doanh nghiệp với nhau hoặc giữa doanh nghiệp với các đối tác.
1.2. Yêu cầu về tài chính
a) Có đủ năng lực tài chính để thiết lập hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức và duy trì hoạt động phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ;
b) Có giấy bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc mua bảo hiểm về việc đền bù các khoản có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ truyền, nhận chứng từ điện tử giữa người sử dụng dịch vụ và cơ quan chuyên môn;
c) Có hoặc thuê trụ sở, nơi đặt máy móc, thiết bị phù hợp với yêu cầu của pháp luật về phòng chống cháy, nổ và phù hợp với loại hình cung cấp.
1.3. Yêu cầu về nhân sự
Có đội ngũ nhân viên đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và quy mô triển khai dịch vụ, cụ thể:
a) Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chứng chỉ quốc tế về vận hành và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin;
b) Đội ngũ cán bộ triển khai am hiểu về nghiệp vụ tài chính, pháp luật về tài chính.
1.4. Yêu cầu về kỹ thuật
a) Thiết lập hệ thống thiết bị, kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu sau:
a1. Cho phép các bên sử dụng dịch vụ truy nhập dịch vụ và đảm bảo kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn trực tuyến 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Thời gian dừng hệ thống để bảo trì không quá 2% tổng số giờ cung cấp dịch vụ;
a2. Đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn và sẵn sàng của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia; có biện pháp kiểm soát giao dịch giữa người sử dụng dịch vụ và cơ quan chuyên môn;
a3. Có khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng;
a4. Có các quy trình sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu, lưu trữ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về chất lượng lưu trữ bao gồm:
+) Hệ thống lưu trữ dữ liệu phải đáp ứng hoặc được chứng minh là tương thích với các chuẩn mực về hệ thống lưu trữ dữ liệu;
+) Có quy trình sao lưu và phục hồi dữ liệu khi hệ thống gặp sự cố: đảm bảo sao lưu trực tuyến toàn bộ dữ liệu; đảm bảo thời gian tối đa phục hồi dữ liệu sau khi gặp sự cố là trong vòng 08 giờ kể từ thời điểm hệ thống gặp sự cố;
a5. Tương thích với các chuẩn mực về an ninh hệ thống thông tin;
b) Có giải pháp lưu trữ chứng từ điện tử, kết quả các lần truyền nhận giữa các bên tham gia giao dịch, lưu trữ chứng từ điện tử trong thời gian giao dịch chưa hoàn thành với các yêu cầu tối thiểu như sau:
b1. Thông điệp dữ liệu điện tử gốc phải được lưu giữ trên hệ thống cho tới khi giao dịch được thực hiện thành công;
b2. Thông điệp dữ liệu điện tử gốc có thể được truy cập trực tuyến cho đến khi giao dịch được thực hiện thành công;
c) Thông tin liên quan đến quá trình thực hiện giao dịch điện tử trên hệ thống phải được lưu giữ trong thời gian tối thiểu 10 năm kể từ thời điểm thực hiện thành công giao dịch. Các thông tin này có thể được truy nhập trực tuyến trong thời gian lưu trữ nêu trên;
d) Có các phương án và hệ thống dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, liên tục và có các phương án xử lý tình huống bất thường, khắc phục sự cố;
đ) Có phương án mở rộng dịch vụ khi quy mô sử dụng dịch vụ tăng lên.
2. Thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ VAN
2.1. Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ VAN
Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ VAN được lập thành 05 bộ, mỗi bộ gồm có:
a) Đơn đăng ký cung cấp dịch vụ VAN của tổ chức;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư/ Giấy phép đầu tư của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam (bản sao có công chứng);
c) Giấy bảo lãnh của tổ chức tín dụng (bản chính) hoặc hợp đồng bảo hiểm (bản sao có công chứng) về việc đền bù các khoản có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ truyền, nhận chứng từ điện tử giữa người sử dụng dịch vụ VAN với cơ quan chuyên môn.
d) Địa chỉ trang Website của tổ chức để người sử dụng truy cập vào sử dụng dịch vụ.
e) Đề án cung cấp dịch vụ VAN gồm:
e1) Kế hoạch kinh doanh chi tiết bao gồm: phạm vi, đối tượng cung cấp dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; giá cước dịch vụ; tổng kinh phí đầu tư và phân bổ kinh phí đầu tư cho từng giai đoạn; hình thức đầu tư, phương án huy động vốn; nhân lực và các thông tin cần thiết khác;
e2) Phương án về hạ tầng, giải pháp kỹ thuật; hệ thống trang thiết bị, nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Thông tư này.
e3) Đăng ký thời điểm kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn để cung cấp dịch vụ VAN;
e4) Văn bản cam kết cung cấp dịch vụ lâu dài, tối thiểu 05 năm cho người sử dụng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin có phạm vi bao phủ toàn diện, sẵn sàng kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn.
2.2. Tiếp nhận hồ sơ:
Hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ VAN được nộp tại các cơ quan chuyên môn. Tuỳ theo từng hoạt động nghiệp vụ tài chính chuyên ngành, hồ sơ được nộp tại một trong các cơ quan chuyên môn tương ứng. Nếu hồ sơ đầy đủ hợp lệ, cơ quan chuyên môn ra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ; trường hợp không chấp nhận tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
2.3. Kiểm tra và chấp nhận hồ sơ cung cấp dịch vụ VAN
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn tiến hành xem xét, thẩm tra hồ sơ cấp dịch vụ VAN của tổ chức. Nếu hồ sơ đáp ứng đủ các tiêu chí đã nêu tại khoản 1 điểm A mục V, cơ quan chuyên môn có văn bản chấp nhận hồ sơ cung cấp dịch vụ VAN của tổ chức. Trong trường hợp cần thiết, thời gian xem xét hồ sơ được kéo dài nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
b) Trường hợp tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ VAN không đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 điểm A mục V Thông tư này, cơ quan chuyên môn có văn bản từ chối và nêu rõ lý do.
2.4. Công bố quyết định chấp nhận hồ sơ cung cấp dịch vụ VAN
Ngay sau khi quyết định chấp nhận hồ sơ cung cấp dịch vụ VAN, cơ quan chuyên môn công bố công khai trên trang website của đơn vị mình, website của Bộ Tài chính, danh sách các tổ chức đã được chấp nhận hồ sơ cung cấp dịch vụ VAN.
3. Thủ tục đăng ký lại thời điểm kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn để cung cấp dịch vụ VAN
3.1. Các trường hợp được chấp nhận đăng ký lại thời điểm kết nối hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn.
a) Có đăng ký lại trước thời điểm đăng ký kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn ghi tại hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ VAN.
b) Quá thời hạn đã đăng ký nhưng có lý do chính đáng về việc chưa triển khai hệ thống.
3.2. Thủ tục đăng ký lại thời điểm kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn.
a) Đối với trường hợp đăng ký lại trước thời điểm đăng ký kết nối
Khi tổ chức có văn bản xin đăng ký lại thời điểm kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn, cơ quan chuyên môn xem xét chấp nhận.
b) Đối với trường hợp quá thời hạn đăng ký cam kết triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ VAN
b1. Tổ chức phải có đơn giải trình lý do chậm trễ, đăng ký lại thời điểm kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn.
b2. Căn cứ kết quả xem xét hồ sơ, cơ quan chuyên môn ra quyết định chấp nhận việc đăng ký lại thời điểm triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ VAN; trường hợp không chấp nhận, cơ quan chuyên môn có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
4. Thủ tục kết nối hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức đã được chấp nhận hồ sơ cung cấp dịch vụ VAN với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn
Trình tự thực hiện kết nối hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức đã được chấp nhận hồ sơ cung cấp dịch vụ VAN với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn thực hiện như sau:
4.1. Tổ chức có văn bản đăng ký thời điểm kết nối chính thức với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn.
4.2. Sau khi tiếp nhận văn bản đăng ký kết nối chính thức của tổ chức, cơ quan chuyên môn thực hiện:
a) Tiến hành kiểm tra, khảo sát hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức;
b) Ra thông báo trình tự thực hiện kết nối cho tổ chức trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận văn bản đăng ký chính thức;
c) Lập biên bản công nhận việc kết nối.
5. Cấp Giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ VAN
Căn cứ vào hồ sơ xin phép cung cấp dịch vụ VAN của tổ chức; căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ tài liệu, các tiêu chí về chủ thể, năng lực, nhân sự và phương án kỹ thuật của tổ chức và căn cứ biên bản công nhận hoàn thành việc kết nối thành công hệ thống công nghệ thông tin của tổ chức với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử của cơ quan chuyên môn, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành các nội dung sau:
5.1. Cấp Giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ VAN cho tổ chức đã hoàn thành việc kết nối với hệ thống xử lý dữ liệu của cơ quan chuyên môn;
5.2. Công bố công khai trên website của Bộ Tài chính, website của đơn vị mình danh sách các tổ chức đã được cấp “Giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ VAN”
Trên đây là nội dung quy định về thủ tục cấp giấy công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ VAN. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 78/2008/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật