Giá trị pháp lý của chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử và ngược lại

Trước xu thế mở rộng và phát triển thương mại điện tử trên thế giới, Việt Nam đang hướng đến thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thương mại. Trong đó, chứng từ điện tử và thanh toán điện tử trong công tác kế toán được coi là một cấu phần quan trọng của thương mại điện tử. Liên quan đến vấn đề này, Ban biên tập cho tôi hỏi: Giá trị pháp lý của chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử và ngược lại được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo vấn đề này ở đâu? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cảm ơn! Hoàng Long (long***@gmail.com)

Giá trị pháp lý của chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử và ngược lại được quy định tại Mục IV Phần II Thông tư 78/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính do Bộ Tài chính ban hành như sau:

A. GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CHỨNG TỪ CHUYỂN ĐỔI

1. Chứng từ chuyển đổi có giá trị pháp lý khi bảo đảm các yêu cầu về tính toàn vẹn của thông tin trên chứng từ nguồn, ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi và chữ ký, họ tên của người thực hiện chuyển đổi đã được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 27/2007/NĐ-CP.

2. Trong trường hợp cần thiết đối với một số chứng từ chuyển đổi, tuỳ theo từng yêu cầu nghiệp vụ, các đơn vị chuyên môn quy định cần có chữ ký của thủ trưởng đơn vị hoặc người được thủ trưởng đơn vị uỷ quyền theo quy định của pháp luật trên chứng từ chuyển đổi tại văn bản hướng dẫn chuyên ngành.

B. KÝ HIỆU RIÊNG TRÊN CHỨNG TỪ CHUYỂN ĐỔI

1. Ký hiệu riêng trên chứng từ chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy bao gồm đầy đủ các thông tin sau: dòng chữ phân biệt giữa chứng từ chuyển đổi và chứng từ nguồn “CHỨNG TỪ CHUYỂN ĐỔI TỪ CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ”; họ và tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi; thời gian thực hiện chuyển đổi. Trong trường hợp văn bản hướng dẫn chuyên ngành không có quy định khác thì hình thức của ký hiệu riêng trên chứng từ chuyển đổi được thể hiện như sau:

 

CHỨNG TỪ CHUYỂN ĐỔI 
TỪ CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ

 

Họ và tên:                        Chữ ký:

Thời gian  thực hiện chuyển đổi

 


2. Ký hiệu riêng trên chứng từ chuyển đổi từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử bao gồm đầy đủ các thông tin sau: chuỗi ký tự phân biệt giữa chứng từ chuyển đổi và chứng từ nguồn; họ và tên, chữ ký điện tử của người thực hiện chuyển đổi; thời gian thực hiện chuyển đổi. Hình thức thể hiện của ký hiệu riêng được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn chuyên ngành. Trong trường hợp văn bản hướng dẫn chuyên ngành không có quy định khác thì hình thức của ký hiệu riêng trên chứng từ chuyển đổi ở dạng đọc được được thể hiện như sau:

 

CHỨNG TỪ CHUYỂN ĐỔI TỪ
CHỨNG TỪ GIẤY

 

Họ và tên:                        Chữ ký:

Thời gian thực hiện chuyển đổi

 


3. Tùy thuộc vào yêu cầu của từng nghiệp vụ cụ thể, các cơ quan chuyên môn có thể quy định có thêm ký hiệu riêng trên chứng từ nguồn của chứng từ chuyển đổi tại các văn bản hướng dẫn chuyên ngành.

Trên đây là nội dung quy định về giá trị pháp lý của chứng từ giấy được chuyển đổi từ chứng từ điện tử và ngược lại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 78/2008/TT-BTC.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào