Cấp bảo lãnh đối với khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Trong quá trình tìm hiểu các quy định của pháp luật về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, tôi có một số thắc mắc cần được các bạn giải đáp giúp tôi. Đó là, theo quy định hiện hành thì việc cấp bảo lãnh đối với khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp được quy định như thế nào? Mong nhận được giải đáp từ cac bạn! Xin cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thì việc cấp bảo lãnh đối với khoản phát hành trái phiếu doanh nghiệp được quy định cụ thể như sau:

1. Thư bảo lãnh được Bộ Tài chính cấp trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc cấp bảo lãnh chính phủ cho khoản phát hành trái phiếu sau khi đối tượng được bảo lãnh đã hoàn thành các thủ tục sau:

a) Ký kết với Bộ Tài chính Hợp đồng thế chấp tài sản cho toàn bộ hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Điều 31 Nghị định này. Hợp đồng thế chấp tài sản được điều chỉnh sau khi kết thúc toàn bộ các đợt phát hành phù hợp với giá trị trái phiếu được bảo lãnh;

b) Cung cấp cho Bộ Tài chính bản sao chứng thực Hợp đồng bảo hiểm tài sản thế chấp;

c) Mở tài khoản dự án tại ngân hàng phục vụ, thông báo số tài khoản của tài khoản dự án và toàn bộ tài khoản tiền gửi hiện có tại các tổ chức tín dụng kèm theo xác nhận của tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản cho Bộ Tài chính;

d) Báo cáo Bộ Tài chính kết quả mỗi đợt phát hành trái phiếu để làm thủ tục xác nhận nghĩa vụ bảo lãnh thực tế (cấp Thư bảo lãnh) trong vòng 10 ngày làm việc sau khi kết thúc đợt phát hành.

2. Thư bảo lãnh được cấp kể từ ngày đối tượng được bảo lãnh hoàn thành các thủ tục tại khoản 1 Điều này và trong vòng 05 ngày làm việc sau khi Bộ Tài chính nhận được báo cáo kết quả của mỗi đợt phát hành. Thư bảo lãnh cấp cho mỗi đợt phát hành được lập thành 05 bản chính, trong đó: Bộ Tài chính lưu hồ sơ 02 bản, đối tượng được bảo lãnh lưu 01 bản, 02 bản được gửi cho các cơ quan liên quan.

3. Bộ Tài chính quyết định việc cấp thêm số bản chính cho các cơ quan có liên quan không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này nếu cần thiết trong từng trường hợp cụ thể.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn.

Trân trọng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào