Chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công với cách mạng bị liệt

Lời đầu tiên cho em gửi lời chào tới các anh chị trong công ty. Chúc anh chị một ngày mới tốt lành. Em có thắc mắc như sau muốn hỏi anh chị: Ba em là thương binh bị liệt 2 chân, gia đình em cũng khó khăn nên cũng cần phương tiện hỗ trợ ba em có thể đi lại. Anh chị cho em hỏi là có văn bản nào quy định về chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công với cách mạng bị liệt không? Nếu có thì văn bản nào và được quy định như thế nào? Em cảm ơn Anh chị.

Chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công với cách mạng bị liệt được quy định tại Điểm b Khoản 1 Mục II Thông tư 113/2007/TT-BQP hướng dẫn chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng đối với người có công với cách mạng đang công tác trong quân đội do Bộ Quốc phòng ban hành như sau:

Người có công với cách mạng quy định tại Mục I của Thông tư này được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình theo chỉ định của bệnh viện cấp quân khu, quân chủng trở lên hoặc Hội đồng Giám định Y khoa cấp có thẩm quyền như sau:

- Người bị liệt nửa người, liệt 2 chi dưới, liệt hoàn toàn, người bị cụt 2 chân không còn khả năng tự di chuyển được cấp tiền để mua xe lăn hoặc xe lắc hoặc phương tiện thay thế sử dụng trong bốn năm; ngoài ra còn được cấp thêm 300.000 đồng/năm để bảo trì phương tiện.

Riêng thương binh bị liệt nửa người, liệt hoàn toàn được cấp thêm 1.000.000 đồng/năm để mua các đồ dùng phục vụ sinh hoạt.

- Người bị liệt chân nhưng vẫn còn khả năng tự di chuyển được cấp tiền mua nẹp atten để sử dụng trong hai năm; mỗi năm được cấp tiền mua một đôi giày chỉnh hình hoặc một đôi dép chỉnh hình và cấp thêm 60.000 đồng/năm để mua các vật phẩm phụ.

Trên đây là nội dung quy định về chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công với cách mạng bị liệt. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 113/2007/TT-BQP.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào