Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở ngành Tư pháp được quy định như thế nào?

Xin chào, tôi tên Minh Lợi là sinh viên năm 3 trường Đại học Mở Tp. HCM. Vừa qua tôi có đọc được một văn bản quy phạm pháp luật có nhắc đến công tác thi đua, khen thưởng ngành Tư pháp. Không hiểu sao tôi cứ thích tìm hiểu nhiều hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, khả năng tôi có hạn cần lắm sự hỗ trợ từ anh/chị Ban biên tập: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở ngành Tư pháp được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được phản hồi từ các bạn. (0123**)

Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Thông tư 05/2018/TT-BTP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở được quy định như sau:

1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở của Tổng cục Thi hành án dân sự, các đơn vị thuộc Bộ và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định thành lập, tham mưu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng.

2. Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là thủ trưởng cơ quan, đơn vị;

b) Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là người đứng đầu tổ chức giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; Trường hợp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở có từ 11 thành viên trở lên thì chỉ định 02 hoặc 03 Phó Chủ tịch;

c) Các Ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy, tổ chức Công đoàn và các thành viên khác là trưởng các đơn vị chuyên môn trực thuộc do thủ trưởng cơ quan, đơn vị lựa chọn, quyết định.

3. Thường trực Hội đồng là tổ chức giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

4. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Tham mưu cho thủ trưởng đơn vị tổ chức phát động, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua; kiến nghị, đề xuất các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong từng năm và từng giai đoạn trong lĩnh vực, nhiệm vụ quản lý của cơ quan, đơn vị;

b) Định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tham mưu việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị;

c) Phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến trong cơ quan, đơn vị; bình xét, lựa chọn những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua, trình thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị trình Bộ trưởng tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao hơn theo quy định;

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác được thủ trưởng cơ quan, đơn vị giao.

5. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở làm việc theo Quy chế hoạt động do thủ trưởng cơ quan, đơn vị ban hành.

Trên đây là nội dung tư vấn về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở ngành Tư pháp. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Thông tư 05/2018/TT-BTP. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thi đua khen thưởng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào