Ghi sổ và lưu trữ hồ sơ giải quyết tố cáo khi giải quyết đơn tố cáo của cơ quan thuế
Ghi sổ và lưu trữ hồ sơ giải quyết tố cáo khi giải quyết đơn tố cáo của cơ quan thuế quy định tại Tiểu mục 1 Mục II Quyết định 744/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình giải quyết đơn tố cáo tại cơ quan thuế các cấp do Tổng cục Thuế ban hành, cụ thể như sau:
Sau khi kết thúc vụ việc giải quyết tố cáo, bộ phận được giao nhiệm vụ xử lý đơn phải vào sổ theo dõi đơn tố cáo (kết quả giải quyết tố cáo).
B12.1. Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập hồ sơ giải quyết tố cáo, tập hợp những thông tin, tài liệu, bằng chứng, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo, kết quả xác minh, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý tố cáo được hình thành từ khi mở hồ sơ giải quyết tố cáo đến khi đóng hồ sơ theo trình tự sau:
B12.1.1. Mở hồ sơ giải quyết tố cáo. Thời điểm mở hồ sơ là ngày Tổ xác minh được thành lập;
B12.1.2. Thu thập, phân loại văn bản, tài liệu, lập mục lục để quản lý;
B12.1.3. Đóng hồ sơ giải quyết tố cáo. Thời điểm đóng hồ sơ là ngày người có thẩm quyền thực hiện xong việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo quy định tại Bước 10 và Bước 11 Quy trình này.
B12.2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm đóng hồ sơ, Tổ trưởng Tổ xác minh hoàn tất việc sắp xếp, lập mục lục và bàn giao hồ sơ cho bộ phận lưu trữ của cơ quan của Tổ xác minh hoặc bàn giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác được người giải quyết tố cáo giao quản lý hồ sơ giải quyết tố cáo đó.
Hồ sơ giải quyết tố cáo được sắp xếp bảo đảm khai thác, sử dụng thuận tiện, nhanh chóng theo hai nhóm tài liệu như sau:
Nhóm 1 gồm các văn bản, tài liệu sau: Đơn tố cáo hoặc Biên bản ghi nội dung tố cáo trực tiếp; Quyết định thụ lý, Quyết định thành lập Tổ xác minh; Kế hoạch xác minh tố cáo; Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; các văn bản thông báo, xử lý, kiến nghị xử lý tố cáo.
Nhóm 2 gồm các văn bản, tài liệu sau: Các biên bản làm việc; văn bản, tài liệu, chứng cứ thu thập được; văn bản giải trình của người bị tố cáo; các tài liệu khác có liên quan đến nội dung tố cáo.
2. Đối với trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay
Trường hợp qua nghiên cứu phân tích hồ sơ tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nếu có đầy đủ những căn cứ pháp lý để khẳng định tính đúng, sai của nội dung tố cáo thì việc giải quyết tố cáo được thực hiện theo trình tự sau đây:
2.1. Cơ quan Thuế có thẩm quyền tiếp nhận, dự thảo Thông báo thụ lý giải quyết tố cáo (mẫu số 23/TC kèm theo) để gửi cho người bị tố cáo và thông báo thụ lý gửi cho người tố cáo biết (mẫu số 06/TC kèm theo) đồng thời xử lý thông tin tố cáo theo quy định.
2.2. Việc báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo, thông báo dự thảo kết luận nội dung tố cáo; ra kết luận nội dung tố cáo, xử lý tố cáo, thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo, công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, ghi sổ và lưu trữ hồ sơ giải quyết tố cáo được thực hiện như quy định từ Bước 6 đến Bước 12 của Quy trình này.
2.3. Cơ quan Thuế giải quyết tố cáo ra quyết định xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung về ghi sổ và lưu trữ hồ sơ giải quyết tố cáo khi giải quyết đơn tố cáo của cơ quan thuế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 744/QĐ-TCT năm 2015.
Trân trọng thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật