Quá trình tiến hành xác minh đơn tố cáo của cơ quan thuế được quy định như thế nào?

Quá trình tiến hành xác minh đơn tố cáo của cơ quan thuế được quy định như thế nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Thắc mắc trên là của bạn Nguyễn Ngọc Đồng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Tp Hồ Chí Minh, vì nhu cầu tìm hiểu cũng như công việc sắp tới, bạn mong muốn Ban biên tập giải đáp thắc mắc trên.

Quá trình tiến hành xác minh đơn tố cáo của cơ quan thuế được quy định tại Tiểu mục 1 Mục II Quyết định 744/QĐ-TCT năm 2015 về Quy trình giải quyết đơn tố cáo tại cơ quan thuế các cấp do Tổng cục Thuế ban hành, cụ thể như sau:

B5.1 Làm việc với người tố cáo, người bị tố cáo

B5.1.1 Làm việc với người tố cáo

Tổ xác minh tố cáo phải làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ về những chứng cứ, nội dung tố cáo, đồng thời yêu cầu người tố cáo cung cấp bổ sung các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo. Nội dung làm việc với người tố cáo phải lập thành biên bản (mẫu số 09/TC kèm theo) có chữ ký của người tố cáo, người chủ trì làm việc với người tố cáo. Biên bản phải lập thành ít nhất hai bản, giao một bản cho người tố cáo (nếu có yêu cầu) và lưu 01 bản trong hồ sơ giải quyết tố cáo.

Trường hợp không thể làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan hoặc theo yêu cầu của người tố cáo hoặc để bảo vệ người tố cáo thì Tổ xác minh tố cáo đề nghị người ra quyết định xác minh tố cáo hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo (mẫu số 10/TC kèm theo).

B5.1.2 Làm việc với người bị tố cáo

Tổ xác minh tố cáo phải làm việc trực tiếp với người bị tố cáo. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích hồ sơ đã có, Tổ xác minh tố cáo đưa ra những nội dung cụ thể và lập phiếu yêu cầu giải trình (mẫu số 12/TC kèm theo) yêu cầu người bị tố cáo làm báo cáo giải trình về những nội dung bị tố cáo (mẫu số 13/TC kèm theo) và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo, nội dung giải trình (mẫu số 10/TC kèm theo).

Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người bị tố cáo cung cấp, Tổ xác minh phải lập Giấy biên nhận (mẫu số 11/TC kèm theo).

Trường hợp văn bản giải trình của người bị tố cáo, thông tin, tài liệu, bằng chứng do người bị tố cáo cung cấp thể hiện chưa rõ hoặc chưa đầy đủ nội dung theo yêu cầu, thì Tổ xác minh tố cáo yêu cầu người bị tố cáo tiếp tục giải trình bằng văn bản, cung cấp thêm thông tin, tài liệu, bằng chứng hoặc làm việc trực tiếp để yêu cầu người bị tố cáo giải thích cụ thể các vấn đề còn chưa rõ.

Trong quá trình làm việc với người bị tố cáo, kết quả và nội dung làm việc phải được lập thành biên bản (mẫu số 09/TC kèm theo) có chữ ký xác nhận của người bị tố cáo và người chủ trì làm việc với người bị tố cáo, biên bản phải lập thành ít nhất hai bản và giao một bản cho người bị tố cáo (nếu có yêu cầu) và lưu 01 bản trong hồ sơ giải quyết tố cáo.

B5.2. Đối với những vụ việc có tài liệu phản ánh chưa rõ, chưa đủ cơ sở để xem xét giải quyết

Đối với những vụ việc có tài liệu phản ánh chưa rõ, chưa đủ cơ sở để xem xét giải quyết nếu xét thấy cần thiết thì Tổ xác minh tố cáo tiến hành thực hiện một số công việc sau:

B5.2.1. Xác minh tại các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung tố cáo

Đặt lịch làm việc về từng nội dung cần xác minh với các đối tượng có liên quan và thu thập tài liệu, chứng cứ cần thiết phục vụ cho việc xác minh được tiến hành theo các hình thức sau:

a) Lập phiếu yêu cầu các bên có liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu

- Việc yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo phải căn cứ vào kế hoạch xác minh đã được phê duyệt, yêu cầu của việc giải quyết tố cáo. Khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan cung cấp trực tiếp thì Tổ xác minh phải lập Giấy biên nhận (mẫu số 11/TC kèm theo).

- Các thông tin, tài liệu, bằng chứng được thu thập trực tiếp phải thể hiện rõ nguồn gốc. Khi thu thập bản sao, Tổ xác minh phải đối chiếu với bản chính; trong trường hợp không có bản chính thì phải ghi rõ trong giấy biên nhận. Các thông tin, tài liệu, bằng chứng do cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp. Thông tin, tài liệu, bằng chứng do cá nhân cung cấp phải có xác nhận của người cung cấp. Trong trường hợp tài liệu bị mất trang, mất chữ, quá cũ nát, quá mờ không đọc được chính xác nội dung thì người tiếp nhận tài liệu phải ghi rõ tình trạng của tài liệu đó trong giấy biên nhận.

- Tổ xác minh phải kiểm tra tính xác thực của thông tin, tài liệu, bằng chứng đã thu thập được, chú trọng những thông tin, tài liệu, bằng chứng do người tố cáo cung cấp để tố cáo hành vi vi phạm và thông tin, tài liệu, bằng chứng do người bị tố cáo cung cấp để giải trình, chứng minh tính đúng, sai của nội dung tố cáo.

- Tổ xác minh phải đánh giá, nhận định về giá trị chứng minh của những thông tin, tài liệu, bằng chứng đã được thu thập trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, các nguyên tắc trong giải quyết tố cáo. Thông tin, tài liệu, bằng chứng được sử dụng làm chứng cứ để kết luận nội dung tố cáo thì phải rõ nguồn gốc, tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.

- Các thông tin, tài liệu, bằng chứng thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng quy định; chỉ cung cấp hoặc công bố khi người có thẩm quyền cho phép.

b) Xác minh thực tế.

Tổ xác minh tiến hành xác minh thực tế ở những địa điểm cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ, nhân chứng (cần thiết có thể ghi âm, ghi hình), xác định tính chính xác của các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung tố cáo. Kết quả làm việc phải được lập thành biên bản và lưu trong hồ sơ tố cáo (mẫu số 09/TC kèm theo).

B5.2.2. Lấy ý kiến tham gia, tư vấn, giám định của các cơ quan chuyên môn

Công việc này áp dụng trong trường hợp quá trình xác minh vụ việc gặp phải những vấn đề nhạy cảm, những bất cập trong việc áp dụng chế độ, chính sách, hoặc những căn cứ để giải quyết tố cáo chưa đảm bảo đầy đủ tính pháp lý thì Tổ xác minh căn cứ vào yêu cầu và tình hình cụ thể để lựa chọn hình thức thực hiện cho phù hợp như:

- Lập phiếu lấy ý kiến tham gia của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan (mẫu số 14/TC kèm theo).

- Lập văn bản yêu cầu trưng cầu giám định (mẫu số 15/TC kèm theo) khi các chứng cứ thu thập chưa đảm bảo đầy đủ tính pháp lý.

Tổng hợp ý kiến tham gia, ý kiến tư vấn, kết quả giám định của các cơ quan, đơn vị để hoàn thiện báo cáo kết quả xác minh và dự thảo kết luận nội dung tố cáo trình Thủ trưởng cơ quan thuế phê duyệt.

B5.3 Gia hạn giải quyết tố cáo

Trường hợp cần thiết, phải gia hạn thời hạn giải quyết tố cáo, Tổ xác minh lập báo cáo thông qua Trưởng bộ phận được giao nhiệm vụ xử lý đơn, trình thủ trưởng cơ quan Thuế ra quyết định gia hạn (mẫu số 16/TC kèm theo).

Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.

Trên đây là nội dung về quá trình tiến hành xác minh đơn tố cáo của cơ quan thuế. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 744/QĐ-TCT năm 2015.

Trân trọng thông tin đến bạn.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào