Quyền của VINAPACO trong kinh doanh
Quyền của VINAPACO trong kinh doanh được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam do Bộ Công thương ban hành kèm theo Quyết định 2386/QĐ-BCT năm 2013 như sau:
- Tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; mở rộng quy mô, ngành, nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật; được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
- Chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh, kế hoạch phối hợp sản xuất, kinh doanh, tổ chức bộ máy quản lý theo yêu cầu kinh doanh và đảm bảo kinh doanh có hiệu quả;
- Tìm kiếm thị trường, khách hàng trong nước và ngoài nước, ký kết hợp đồng;
- Mở chi nhánh, văn phòng đại diện của VINAPACO ở trong nước, ở nước ngoài phù hợp với các quy định của pháp luật;
- Quyết định giá mua, giá bán sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, trừ những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá;
- Quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; sử dụng vốn và tài sản của VINAPACO để liên doanh, liên kết, góp vốn vào doanh nghiệp khác; thuê, mua một phần hoặc toàn bộ công ty khác theo quy định của pháp luật;
- Sử dụng vốn của VINAPACO hoặc vốn huy động để đầu tư thành lập các doanh nghiệp trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật;
- Cử cán bộ, nhân viên ra nước ngoài học tập, công tác; mời các đối tác kinh doanh nước ngoài đến làm việc tại VINAPACO theo quy định của pháp luật;
- Tuyển chọn, ký kết hợp đồng lao động; bố trí, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật, chấm dứt hợp đồng lao động; lựa chọn các hình thức trả lương, thưởng cho người lao động trên cơ sở hiệu quả sản xuất, kinh doanh và các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, tiền công.
- Xây dựng, áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, lao động, vật tư, đơn giá tiền lương và chi phí khác trên cơ sở bảo đảm hiệu quả kinh doanh của VINAPACO và phù hợp với các quy định của pháp luật;
- Được bảo hộ đối với sở hữu trí tuệ, tên gọi, biểu tượng, thương hiệu sản phẩm của VINAPACO theo quy định của pháp luật;
- Khước từ việc thanh tra, kiểm tra không theo đúng quy định của pháp luật;
- Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh;
- Khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
- Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật;
- Có các quyền kinh doanh khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung quy định về quyền của VINAPACO trong kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2386/QĐ-BCT năm 2013.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật