Thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo đường bộ được quy định như thế nào?
Thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo đường bộ được quy định tại Điều 7 Thông tư 85/2014/TT-BGTVT về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành, cụ thể như sau:
1. Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là cơ quan thẩm định thiết kế) thẩm định theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này, nếu đạt yêu cầu thì phê duyệt thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi là Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế).
2. Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế có hiệu lực tối đa là 12 tháng, kể từ ngày ký nhưng không quá niên hạn sử dụng của xe (nếu có) hoặc không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới (đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng).
3. Người thẩm định thiết kế của cơ quan thẩm định thiết kế phải là kỹ sư cơ khí ô tô đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới.
4. Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 04 bộ hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo có thành phần theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này;
c) Tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế (bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế);
d) Bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế của một trong các giấy tờ sau: Giấy Đăng ký xe ô tô; Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển); Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký).
5. Trình tự, thủ tục thẩm định thiết kế
a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế đến cơ quan thẩm định thiết kế;
b) Cơ quan thẩm định thiết kế tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ: Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp) hoặc thông báo và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trong 02 ngày làm việc (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác);
c) Cơ quan thẩm định thiết kế tiến hành thẩm định thiết kế theo quy định: Nếu thiết kế đạt yêu cầu, sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thiết kế, cơ quan thẩm định thiết kế cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Trường hợp không cấp, cơ quan thẩm định thiết kế thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân sau 02 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định;
d) Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan thẩm định thiết kế hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác.
6. Hồ sơ thiết kế sau khi được phê duyệt và Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế được lưu tại cơ quan thẩm định thiết kế 01 bộ, cơ sở cải tạo 01 bộ, cơ quan nghiệm thu 01 bộ và cơ sở thiết kế 01 bộ.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo đường bộ. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật