Phạm vi và nguyên tắc cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân hàng chính sách xã hội

Tôi hiện đang tìm hiểu về ngân hàng chính sách xã hội. Theo như tôi biết thì ngân hàng chính sách xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Tôi có thắc mắc về việc quản lý tài chính của ngân hàng chính sách xã hội. Vậy anh/chị trong Ban biên tập cho hỏi phạm vi và nguyên tắc cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân hàng chính sách xã hội được quy định như thế nào? Hy vọng anh/chị giải đáp giúp tôi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn!  Thanh Liên - Hà Tĩnh

Phạm vi và nguyên tắc cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân hàng chính sách xã hội được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 62/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội kèm theo Quyết định 180/2002/QĐ-TTg và 30/2015/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

1. Ngân sách nhà nước chỉ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với các Khoản cho vay thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ- CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngân sách nhà nước không cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với:

a) Số dư nợ cho vay không đúng đối tượng;

b) Các chương trình Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khác;

c) Số dư nợ được Chính phủ cho khoanh, xoá và các Khoản nợ được Chính phủ cho phép xử lý đối với khách hàng nhưng có nguồn xử lý tương ứng cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

2. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất bình quân các nguồn vốn (bao gồm cả các nguồn vốn không phải trả lãi) với lãi suất cho vay bình quân và dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của pháp luật.

3. Việc cấp bù được thực hiện theo phương thức tạm cấp hàng quý căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm bố trí cho Mục tiêu này; số cấp bù chính thức cả năm sẽ được xác định sau khi kết thúc năm tài chính.

4. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đề nghị cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định tại Thông tư này.

Trên đây là tư vấn về phạm vi và nguyên tắc cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của ngân hàng chính sách xã hội. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 62/2016/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Lãi suất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào