Nguyên tắc xử lý trường xảy ra tổn thất về vốn, tài sản của ngân hàng chính sách xã hội

Tôi công tác trong lĩnh vực tài chính. Tôi hiện đang tìm hiểu về ngân hàng chính sách xã hội. Theo như tôi biết thì ngân hàng chính sách xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Tôi có thắc mắc về việc quản lý tài chính của ngân hàng chính sách xã hội. Vậy anh/chị trong Ban biên tập cho hỏi nguyên tắc xử lý trường xảy ra tổn thất về vốn, tài sản của ngân hàng chính sách xã hội được quy định như thế nào? Hy vọng anh/chị giải đáp giúp tôi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn!  Ngọc Trân - Tiền Giang

Nguyên tắc xử lý trường xảy ra tổn thất về vốn, tài sản của ngân hàng chính sách xã hội được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư 62/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội kèm theo Quyết định 180/2002/QĐ-TTg và 30/2015/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó: 

Trường hợp xảy ra tổn thất về vốn, tài sản, kể cả các Khoản nợ cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội phải thành lập Hội đồng để lập biên bản xác định mức độ, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý theo nguyên tắc sau:

1. Nếu vốn, tài sản bị tổn thất do nguyên nhân chủ quan của tập thể hoặc cá nhân thì đối tượng gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định mức bồi thường và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Đối với tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

3. Đối với những rủi ro khách quan của các Khoản nợ cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng để bù đắp hoặc thực hiện xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Giá trị tổn thất sau khi đã thu hồi và bù đắp bằng các nguồn trên, nếu thiếu được bù đắp bằng Quỹ dự phòng tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp Quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp, Ngân hàng Chính sách xã hội xử lý như sau:

a) Đối với giá trị tổn thất còn lại chưa có nguồn bù đắp mà có giá trị nhỏ hơn 10% vốn Điều lệ thực có, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng;

b) Đối với giá trị tổn thất còn lại chưa có nguồn bù đắp mà có giá trị từ 10% vốn Điều lệ thực có trở lên, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phân bổ dần vào chi phí hoạt động. Thời gian phân bổ do Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trên đây là tư vấn về nguyên tắc xử lý trường xảy ra tổn thất về vốn, tài sản của ngân hàng chính sách xã hội. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 62/2016/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào