Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thì Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quy định cụ thể như sau:
1. Quyền
a) Được hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, nhận Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả;
b) Từ chối thực hiện những yêu cầu không được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính;
c) Phản ánh, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về sự không cần thiết, tính không hợp lý và không hợp pháp của thủ tục hành chính;
d) Phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ, chứng cứ chứng minh việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định của pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm
a) Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác của các giấy tờ có trong hồ sơ và cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan;
b) Khi nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa phải mang theo Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, trường hợp được ủy quyền nhận thay thì mang thêm giấy ủy quyền của người đã ủy quyền đi nhận thay kết quả;
c) Thực hiện đầy đủ các quy định về giải quyết thủ tục hành chính và các quy định của Bộ phận Một cửa; nộp đầy đủ các khoản phí, lệ phí (nếu có) theo quy định;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn về Quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật