Thủ tục thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ thì Thủ tục thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ được quy định cụ thể như sau:
- Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ sau khi doanh nghiệp đã cung cấp đủ các hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Nghị định này và trước khi đàm phán thỏa thuận vay hoặc chuẩn bị hồ sơ pháp lý phát hành trái phiếu theo quy định.
- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh từ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này, Bộ Tài chính xem xét hồ sơ gồm các nội dung chính sau:
+ Tính hợp lệ của hồ sơ cung cấp;
+ Đáp ứng các điều kiện về đối tượng được bảo lãnh quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công;
+ Đáp ứng các điều kiện được cấp bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp quy định tại Điều 43 Luật Quản lý nợ công và Nghị định này.
- Trường hợp hồ sơ không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài chính thông báo cho doanh nghiệp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định.
- Trường hợp cần bổ sung thông tin trong quá trình thẩm định, Bộ Tài chính lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý ngành về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến dự án vay vốn đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ. Các cơ quan có trách nhiệm trả lời trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Tài chính.
- Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh và đề xuất phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ.
Trên đây là nội dung tư vấn về Thủ tục thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 91/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật