Khám nghiệm hiện trường đối với vụ án hình sự được quy định ra sao?

Xin chào, tôi tên Nguyễn Văn Tình là cán bộ về hưu. Để đáp ứng nhu cầu hiểu biết tôi có tìm hiểu về khám nghiệm hiện trường trong vụ án hình sự qua giai đoạn pháp luật, tuy nhiên có vài vấn đề tôi vẫn chưa rõ lắm, nhờ Ban biên tập hỗ trợ, cụ thể: tại Bộ luật tố tụng hình sự 1988, khám nghiệm hiện trường đối với vụ án hình sự được quy định ra sao? Mong sớm nhận được câu trả lời, cảm ơn! (1975***)

Căn cứ theo quy định tại Điều 125 Bộ luật tố tụng hình sự 1988, Khám nghiệm hiện trường được quy định như sau:

1- Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm nhằm phát hiện dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án.

2- Khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự. Trước khi tiến hành khám nghiệm, điều tra viên phải báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Khi khám nghiệm phải có người chứng kiến; có thể để cho bị can, người bị hại, người làm chứng và mời nhà chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.

3- Khi khám nghiệm hiện trường, điều tra viên tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình, thu lượm và xem xét tại chỗ dấu vết của tội phạm, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, ghi rõ kết quả xem xét vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

Trong trường hợp không thể xem xét ngay được thì đồ vật và tài liệu thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

Trên đây là nội dung tư vấn về khám nghiệm hiện trường trong vụ án hình sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 1988. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào