Nguyên tắc xử lý nhiễu có hại được quy định như thế nào?
Nguyên tắc xử lý nhiễu có hại được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTTTT-BQP-BCA hướng dẫn cơ chế phối hợp xử lý nhiễu có hại giữa các đài vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh và mục đích kinh tế - xã hội do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành với nội dung như sau:
- Công tác phối hợp xử lý nhiễu có hại phải được thực hiện thống nhất, kịp thời, bảo đảm có hiệu quả, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng đài vô tuyến điện không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ, sử dụng tần số không đúng quy định của pháp luật hiện hành phải áp dụng các biện pháp để chấm dứt nhiễu có hại.
- Cơ quan đầu mối tổ chức xử lý nhiễu có hại giữa các đài vô tuyến điện theo nguyên tắc quy định tại Điều 38 của Luật Tần số vô tuyến điện, đồng thời yêu cầu đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng đài vô tuyến điện gây nhiễu có hại phải thực hiện các biện pháp quy định tại Điều 37 của Luật Tần số vô tuyến điện để hạn chế nhiễu có hại.
- Trong băng tần dùng chung, băng tần chưa quy định cho mục đích quốc phòng, an ninh, cơ quan đầu mối xử lý nhiễu có hại theo thứ tự ưu tiên bảo vệ các đài vô tuyến điện sau đây:
+ Đài vô tuyến điện phục vụ mục đích an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện;
+ Đài quân sự được Bộ thông tin và Truyền thông ấn định tần số để sử dụng ổn định, lâu dài;
+ Đài an ninh được Bộ thông tin và Truyền thông ấn định tần số để sử dụng ổn định, lâu dài;
+ Đài dân sự được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.
Trên đây là nội dung trả lời về nguyên tắc xử lý nhiễu có hại. Để hiểu hơn về vấn đề này thì bạn có thể tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTTTT-BQP-BCA.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật