Trình tự phối hợp cấp phép, thời hạn của giấy phép đưa lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam

Trình tự phối hợp cấp phép, thời hạn của giấy phép đưa lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam được quy định như thế nào? Vì tính chất công việc, tôi có thắc mắc muốn nhờ Anh/Chị trong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Anh/Chị cho tôi hỏi là: Trình tự phối hợp cấp phép, thời hạn của giấy phép đưa lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam được quy định như thế nào? Tôi có thể tham khảo vấn đề này ở đâu? Tôi mong Ban biên tập có thể giải đáp thắc mắc giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn Anh/Chị trong Ban biên tập! Nhật Anh (nhat_anh***@gmail.com)

Trình tự phối hợp cấp phép, thời hạn của giấy phép đưa lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam được quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BGTVT-BQP-BCA-BNG về cấp phép cho phương tiện, lực lượng đi kèm theo phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Bộ Quốc phòng - Bộ Công An - Bộ Ngoại giao ban hành như sau:

1. Cơ quan cấp phép Bộ Giao thông vận tải

a) Cơ quan cấp phép thuộc Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận được hồ sơ theo quy định từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), phải kịp thời gửi xin ý kiến Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an). Trường hợp hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thông báo kịp thời cho quốc gia, tổ chức nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ.

b) Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận đủ hồ sơ và văn bản xin ý kiến phải có văn bản trả lời về việc đồng ý hay không đồng ý cấp phép. Trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến về việc cấp phép theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP do cơ quan được ủy quyền cấp phép xin ý kiến quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) có trách nhiệm xem xét, có ý kiến về việc cấp phép và triển khai nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Nghị định số 95/2010/NĐ-CP.

c) Ngay sau khi nhận được ý kiến của Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), cơ quan có thẩm quyền cấp phép tiến hành cấp phép theo quy định.

2. Cơ quan cấp phép Bộ Quốc phòng

a) Cơ quan cấp phép thuộc Bộ Quốc phòng, trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận được hồ sơ theo quy định từ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phải xem xét, thẩm định đồng thời gửi xin ý kiến Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Cục Hàng không Việt Nam hoặc Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng (Bộ Quốc phòng), Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Quốc phòng.

Trường hợp hồ sơ đề nghị chưa đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp phép thông báo kịp thời cho quốc gia, tổ chức nước ngoài để hoàn thiện hồ sơ.

b) Các cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời trong thời gian 24 giờ, kể từ khi nhận đủ hồ sơ và văn bản xin ý kiến về việc cấp phép. Trong trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

c) Ngay sau khi nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan, đơn vị có liên quan, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) tiến hành thẩm định, giải quyết cấp phép theo quy định. Tùy điều kiện, tính chất và lực lượng, phương tiện nước ngoài tham gia tìm kiếm, cứu nạn, Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) quy định nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tại giấy phép.

3. Thông báo cấp phép

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép khi cấp giấy phép phải gửi tới:

a) Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) 02 bản để thông báo cho quốc gia, tổ chức quốc tế có lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam về quyết định cấp phép; Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) 01 (một) bản và gửi kèm danh sách lực lượng đi kèm theo phương tiện tham gia tìm, kiếm cứu nạn để cấp thị thực nhập cảnh;

b) Trường hợp không đồng ý cấp phép, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để thông báo cho quốc gia, tổ chức quốc tế và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan;

c) Hình thức gửi thông báo: Bằng fax hoặc thư điện tử hoặc văn bản.

4. Thời hạn của giấy phép

Căn cứ đề nghị cấp phép, yêu cầu thực tế công tác tìm kiếm, cứu nạn, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định thời hạn của giấy phép nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày cấp.

Trên đây là nội dung quy định về trình tự phối hợp cấp phép, thời hạn của giấy phép đưa lực lượng, phương tiện nước ngoài vào tìm kiếm, cứu nạn tại Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BGTVT-BQP-BCA-BNG.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào