Quyền hạn của người tiếp công dân Ủy ban dân tộc
Quyền hạn của người tiếp công dân Ủy ban dân tộc được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 01/2015/TT-UBDT về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ủy ban Dân tộc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành, theo đó:
a) Yêu cầu công dân nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có). Trong trường hợp có Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại thì người tiếp công dân yêu cầu xuất trình thẻ luật sư, thẻ trợ giúp viên pháp lý, giấy ủy quyền của người khiếu nại;
b) Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp những thông tin, tài liệu, bằng chứng có liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo; ký hoặc điểm chỉ vào biên nhận các tài liệu, giấy tờ do công dân cung cấp. Giao nhận tài liệu thực hiện theo Mẫu số 02-TCD ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Yêu cầu công dân viết thành văn bản hoặc người tiếp công dân ghi chép nội dung công dân trình bày, công dân ký xác nhận hoặc điểm chỉ vào văn bản đó;
d) Từ chối tiếp công dân trong những trường hợp sau:
- Vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài;
- Khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng, Chủ nhiệm và Thủ trưởng vụ, đơn vị thuộc Ủy ban sau khi đã hướng dẫn, giải thích, trả lời theo quy định;
- Những người đang trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình;
- Người có hành vi vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân;
- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
Việc từ chối tiếp công dân thực hiện theo Mẫu số 01-TCD ban hành kèm theo Thông tư này;
đ) Trường hợp công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để xúc phạm, vu cáo, đe dọa, làm mất an ninh, trật tự tại khu vực tiếp công dân thì người tiếp công dân báo cáo Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng vụ, đơn vị, thông báo cho bảo vệ cơ quan để có biện pháp bảo vệ an ninh trật tự công sở và đề nghị biện pháp xử lý theo quy định.
Trên đây là tư vấn về quyền hạn của người tiếp công dân Ủy ban dân tộc. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 01/2015/TT-UBDT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật