Huấn luyện an toàn cho những người làm việc trong hoạt động dầu khí
Huấn luyện an toàn cho những người làm việc trong hoạt động dầu khí quy định tại Điều 12 Quyết định 04/2015/QĐ-TTg năm 2015 Quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụ thể như sau:
1. Người làm công tác quản lý, công tác an toàn và người lao động được huấn luyện, kiểm tra về an toàn và cấp Giấy (hoặc Sổ) chứng nhận huấn luyện an toàn.
2. Việc huấn luyện về an toàn được thực hiện khi tuyển dụng (lần đầu) và định kỳ ít nhất một lần trong một năm.
3. Thực hiện quản lý, xây dựng nội dung, tổ chức huấn luyện, kiểm tra và cấp Giấy (hoặc Sổ) chứng nhận huấn luyện an toàn.
4. Nội dung chính huấn luyện
a) Đối với người làm công tác quản lý
- Quy định của pháp luật, quy định về an toàn, phòng cháy và chữa cháy;
- Các nội dung cơ bản về an toàn kỹ thuật chuyên ngành trong phạm vi quản lý;
- Tổ chức quản lý và thực hiện các quy định về an toàn;
- Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất và biện pháp phòng ngừa, loại trừ và khắc phục;
- Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
b) Đối với người làm công tác an toàn
- Nội dung như với người làm công tác quản lý;
- Nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác an toàn tại cơ sở;
- Biện pháp tổ chức và kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi làm việc;
- Quy định về an toàn đối với công trình, dây chuyền, máy, thiết bị, hóa chất, vật liệu nguy hiểm thuộc phạm vi quản lý;
- Cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc thuộc phạm vi quản lý (bao gồm cả thiết bị phòng cháy chữa cháy);
- Phương pháp cơ bản cấp cứu người bị nạn.
c) Đối với người lao động
Nội dung huấn luyện phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm, thâm niên công tác, chuyên môn và vị trí của người lao động, gồm:
- Quy trình vận hành, xử lý sự cố, quy định an toàn đối với máy, thiết bị, hóa chất, vật liệu nguy hiểm trong phạm vi làm việc;
- Cách nhận biết các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất và biện pháp phòng ngừa, loại trừ, khắc phục;
- Cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với vị trí công việc (bao gồm cả thiết bị phòng cháy và chữa cháy);
- Phương pháp cơ bản cấp cứu người bị nạn;
- Quy trình ứng cứu khẩn cấp phù hợp vị trí công việc và cứu hộ, thoát nạn; cách sử dụng các thiết bị cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp.
5. Thời gian huấn luyện
a) Huấn luyện lần đầu
- Đối với người làm công tác quản lý, thời gian huấn luyện ít nhất 12 (mười hai) giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra;
- Đối với người làm công tác an toàn, thời gian huấn luyện ít nhất 16 (mười sáu) giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra;
- Đối với người lao động, thời gian huấn luyện ít nhất 16 (mười sáu) giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
b) Huấn luyện định kỳ: Được thực hiện định kỳ ít nhất một lần trong năm. Thời gian huấn luyện bằng một nửa thời gian huấn luyện lần đầu.
c) Huấn luyện lại: Được thực hiện khi có các thay đổi vị trí làm việc, thay đổi công nghệ, khi người lao động nghỉ việc từ sáu tháng trở lên, hoặc khi kiểm tra không đạt yêu cầu. Thời gian huấn luyện ít nhất 12 (mười hai) giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
6. Người huấn luyện: Có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm công tác trong chuyên ngành đó.
Trên đây là nội dung câu trả lời về huấn luyện an toàn cho những người làm việc trong hoạt động dầu khí. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 04/2015/QĐ-TTg năm 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật