Nội dung của các phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán Nhà nước được quy định ra sao?

Nội dung của các phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán nhà nước được quy định ra sao? Chào Ban biên tập, tôi là Văn Anh, tìm hiểu quy định của pháp luật về Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp, cụ thể là: Nội dung của các phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán nhà nước được quy định ra sao? Có văn bản nào quy định về vấn đề này không? Mong sớm nhận được phản hồi. Chân thành cảm ơn.

Nội dung của các phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 13 Quyết định 558/QĐ-KTNN năm 2016 Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước do Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành, cụ thể như sau:

1. Phương pháp giám sát

Phương pháp giám sát sử dụng trong trường hợp:

a) Cấp quản lý cao hơn giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công việc của cấp dưới.

b) Tổ chức, cá nhân độc lập từ bên ngoài giám sát hoạt động của Đoàn KTNN.

2. Phương pháp soát xét, thẩm định tài liệu

a) Soát xét, thẩm định là KTV ở cấp quản lý cao hơn (Trưởng Đoàn KTNN, Tổ trưởng Tổ kiểm toán...) hoặc KTV được giao nhiệm vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán soát xét, thẩm định lại tài liệu, các nghiệp vụ và kết quả kiểm toán của KTV cấp dưới hoặc KTV được kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm đảm bảo:

(1) Công việc kiểm toán của KTV được thực hiện phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán và quy trình kiểm toán của KTNN.

(2) Công việc kiểm toán của KTV đã hoàn thành, kết quả kiểm toán được chứng minh bằng các tài liệu, bằng chứng kiểm toán phù hợp, tin cậy.

(3) KTV áp dụng phương pháp kiểm toán, kỹ thuật thu thập bằng chứng kiểm toán thích hợp với nghiệp vụ kiểm toán.

(4) Ý kiến đánh giá, nhận xét, kết luận, kiến nghị của KTV nhất quán và tương xứng với bằng chứng kiểm toán thu thập được.

b) Công cụ thường được sử dụng trong phương pháp soát xét, thẩm định tài liệu là Bảng câu hỏi kiểm soát (Phụ lục 01 - Bảng câu hỏi kiểm soát kèm theo Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán).

3. Phương pháp xác nhận, đối chiếu

Phương pháp xác nhận, đối chiếu sử dụng để xác minh lại các nguồn tài liệu, thông tin cần thiết cho các đánh giá, nhận xét kiểm tra.

Trong trường hợp có sự nghi vấn về các tài liệu, thông tin và các bằng chứng kiểm toán thu thập được chưa bảo đảm đầy đủ và thích hợp dẫn đến ý kiến đánh giá, nhận xét, kết luận của KTV bị sai lệch, cần tiến hành đối chiếu, xác nhận lại các nguồn tài liệu, thông tin của đơn vị được kiểm toán và những người có liên quan để thu thập thêm các thông tin cần thiết, đưa ra kết luận về kết quả kiểm toán của KTV là đúng đắn hay cần phải sửa đổi, bổ sung.

4. Phương pháp kiểm toán lại

a) Phương pháp kiểm toán lại là việc áp dụng các phương pháp, thủ tục kiểm toán phù hợp trong quá trình kiểm soát chất lượng kiểm toán để kiểm tra, đánh giá lại kết quả, kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTV, của Tổ kiểm toán và của Đoàn KTNN. Phương pháp kiểm toán lại áp dụng trong kiểm soát chất lượng kiểm toán không phải là thực hiện kiểm toán lại cuộc kiểm toán với quyết định kiểm toán mới và Đoàn KTNN, Tổ kiểm toán mới.

b) Phương pháp kiểm toán lại sử dụng trong các trường hợp: (i) Có nhiều nghi vấn về tính đúng đắn, trung thực, khách quan của kết quả kiểm toán; (ii) Bằng chứng kiểm toán chưa rõ ràng, thiếu sức thuyết phục; (iii) Có nhiều ý kiến khác nhau hoặc có tranh chấp về các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tùy theo tính chất sự việc có thể áp dụng phương pháp kiểm toán lại đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung kiểm toán đã thực hiện.

c) Việc kiểm toán lại trong trường hợp Đoàn KTNN hoặc Tổ kiểm toán đã kết thúc kiểm toán tại đơn vị do Tổng KTNN quyết định.

5. Phương pháp chuyên gia

Phương pháp chuyên gia sử dụng trong các trường hợp công việc kiểm soát liên quan đến chuyên môn sâu vượt quá tầm hiểu biết của công chức làm nhiệm vụ kiểm soát cần sử dụng chuyên gia để đánh giá, đưa ra ý kiến; sử dụng để lấy ý kiến về chất lượng BCKT của KTNN và những vấn đề cần kiểm toán khi xây dựng KHKT của cuộc kiểm toán.

6. Phương pháp thu thập thông tin từ bên ngoài

Phương pháp thu thập thông tin từ bên ngoài sử dụng để hỗ trợ, bổ sung thông tin cho hoạt động kiểm soát nhằm định hướng cho việc tiếp tục kiểm soát làm rõ thêm những vấn đề phát sinh. Thông tin thu thập từ bên ngoài gồm:

a) Thông tin từ đơn vị được kiểm toán về hoạt động kiểm toán của Đoàn KTNN, của Tổ kiểm toán và của KTV.

b) Thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội về hoạt động kiểm toán của Đoàn KTNN, của Tổ kiểm toán và của KTV.

7. Phương pháp quan sát

Phương pháp này được sử dụng để xem xét quá trình thực hiện công việc cần kiểm soát. Thông qua quan sát để đánh giá sơ bộ về cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ, như: quy trình làm việc, phân công nhiệm vụ, phương tiện làm việc, công tác lưu trữ hồ sơ… của đối tượng, từ đó định hướng cho việc thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Trên đây là nội dung câu trả lời về nội dung của các phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán nhà nước. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 558/QĐ-KTNN năm 2016 .

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào