Giám sát thực hiện chỉ tiêu an toàn nợ công được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công, giám sát thực hiện chỉ tiêu an toàn nợ công được quy định như sau:
1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công báo cáo Chính phủ trong kế hoạch vay, trả nợ hằng năm để báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước hằng năm.
2. Khi chỉ tiêu an toàn nợ công đạt đến ngưỡng cảnh báo về an toàn nợ công, Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện hoặc báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội các biện pháp để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt trần nợ công được Quốc hội quyết định, bao gồm:
a) Giảm mức vay về cho vay lại đối với ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ;
b) Giảm hạn mức bảo lãnh Chính phủ;
c) Giảm mức vay của chính quyền địa phương;
d) Giảm bội chi ngân sách nhà nước để giảm mức vay nợ của Chính phủ.
3. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp tại khoản 2 Điều này mà chỉ tiêu an toàn nợ công vượt giới hạn trần đã được Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định các biện pháp và lộ trình điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm hoặc điều chỉnh mức trần chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Trên đây là nội dung tư vấn về Giám sát thực hiện chỉ tiêu an toàn nợ công. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Nghị định 94/2018/NĐ-CP. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật