Nội dung tổ chức phong trào thi đua ngành Thông tin và Truyền thông gồm những gì?

Tôi hiện đang tìm hiểu về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thông tin và Truyền thông. Tôi được biết vào tháng 08 sẽ có hướng dẫn mới về vấn đề này. Vậy anh/chị trong Ban biên tập cho tôi hỏi theo hướng dẫn mới thì nội dung tổ chức phong trào thi đua ngành Thông tin và Truyền thông gồm những gì? Hy vọng anh/chị giải đáp giúp tôi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn!  Thanh Hằng - Bình Dương

Nội dung tổ chức phong trào thi đua ngành Thông tin và Truyền thông được quy định tại Điều 10 Thông tư 09/2018/TT-BTTTT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, (có hiệu lực ngày 15/08/2018), theo đó: 

Nội dung tổ chức phong trào thi đua thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 91/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, trên cơ sở đó đề ra các chỉ tiêu và nội dung thi đua cụ thể. Việc xác định nội dung và chỉ tiêu thi đua phải đảm bảo khoa học, thực tiễn và có tính khả thi.

2. Phong trào thi đua có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để đề ra nội dung, phương pháp thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

3. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất công tác, lao động nghề nghiệp, phạm vi và đối tượng tham gia thi đua để có hình thức tổ chức phát động thi đua cho phù hợp, đa dạng các hình thức phát động thi đua; chống mọi biểu hiện phô trương, hình thức trong thi đua.

4. Căn cứ vào nội dung, chỉ tiêu của phong trào thi đua để xây dựng các tiêu chí đánh giá phù hợp với thực tế và để làm căn cứ bình xét thi đua, khen thưởng trong các kỳ sơ kết, tổng kết.

5. Triển khai các biện pháp tổ chức vận động thi đua, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức triển khai phong trào thi đua. Tổ chức chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến các kinh nghiệm tốt trong đối tượng tham gia thi đua.

6. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả của phong trào thi đua; lựa chọn để khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua.

7. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức trong việc phát hiện nhân tố mới, điển hình tiên tiến để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng. Tăng cường phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả để mọi người học tập. Việc phát hiện điển hình tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm trong tổ chức các phong trào thi đua.

Trên đây là tư vấn về nội dung tổ chức phong trào thi đua ngành Thông tin và Truyền thông. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 09/2018/TT-BTTTT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào