Hình thức tổ chức phong trào thi đua trong ngành Thông tin và Truyền thông
Hình thức tổ chức phong trào thi đua trong ngành Thông tin và Truyền thông được quy định tại Điều 9 Thông tư 09/2018/TT-BTTTT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, (có hiệu lực ngày 15/08/2018), theo đó:
Hình thức tổ chức phong trào thi đua thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định 91/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Thi đua thường xuyên được tổ chức thực hiện trong suốt thời gian của năm công tác nhằm thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu và chương trình công tác đề ra. Thi đua thường xuyên áp dụng giữa các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc gần giống nhau.
Thi đua thường xuyên phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, các chỉ tiêu cụ thể và được tổ chức theo khối, cụm thi đua để ký kết giao ước thi đua; thực hiện việc đăng ký thi đua giữa các cá nhân, tập thể. Kết thúc năm công tác Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát động phong trào thi đua tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.
2. Thi đua theo đợt (chuyên đề) được tổ chức nhằm lập thành tích chào mừng kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm hoặc nhiệm vụ công tác trọng tâm, cấp bách, nhiệm vụ chuyên môn có tính chất khó khăn, phức tạp và giải quyết những công việc còn yếu kém trong từng giai đoạn và thời gian cụ thể.
Khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua có thời gian từ 03 năm trở lên mới lựa chọn cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để trình Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; phong trào thi đua có thời gian từ 05 năm trở lên mới lựa chọn cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để trình Chủ tịch nước khen thưởng “Huân chương Lao động hạng ba”.
3. Việc tổ chức phong trào thi đua và xét khen thưởng theo đợt, theo chuyên đề hoặc theo lĩnh vực do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sẽ có quy định cụ thể đối với từng phong trào thi đua.
4. Không trình khen thưởng cấp Nhà nước: “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, “Huân chương” cho các tập thể, cá nhân khi tiến hành sơ kết, tổng kết việc xây dựng, thực hiện luật, pháp lệnh, nghị định hoặc phục vụ hội nghị, hội thảo, diễn đàn.
Trên đây là tư vấn về hình thức tổ chức phong trào thi đua trong ngành Thông tin và Truyền thông. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 09/2018/TT-BTTTT. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật