Yêu cầu chính của cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bộ Tài chính
Theo Điều 8 Quy định Danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định 2575/QĐ-BTC năm 2017 thì yêu cầu chính của cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bộ Tài chính được quy định như sau:
1. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải có các chức năng và đặc tính cơ bản phục vụ các yêu cầu sau đây:
a) Đảm bảo khả năng tổng hợp được đầy đủ các yêu cầu thông tin, dữ liệu đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của đơn vị và của Bộ Tài chính;
b) Cung cấp dữ liệu đáp ứng yêu cầu của hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ cho công tác quản lý của đơn vị và các cơ quan liên quan trong và ngoài ngành Tài chính;
c) Cung cấp dữ liệu, thông tin theo các chủ đề đáp ứng các yêu cầu của công tác nghiên cứu hoạch định các chính sách tài chính, ngân sách; tạo lập môi trường cho việc áp dụng các mô hình phân tích dữ liệu cơ bản trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành;
d) Xác định phạm vi cung cấp dữ liệu được phép công khai thuộc cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định; đảm bảo tính kết nối, liên thông trong trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính;
đ) Công nghệ áp dụng cho triển khai thực hiện xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải đảm bảo tính kết nối, mở rộng, đảm bảo tiếp cận với các công nghệ mới tiên tiến, hiện đại trên thế giới, tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
2. Yêu cầu đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu chuyên ngành
a) Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng cho các hoạt động: đăng nhập quản trị hệ thống; đăng nhập vào các chức năng ứng dụng; tích hợp, gửi nhận dữ liệu tự động giữa các hệ thống máy chủ; nhập và biên tập dữ liệu;
b) Thực hiện mã hóa đường truyền cơ sở dữ liệu;
c) Áp dụng các biện pháp đảm bảo tính xác thực và sự toàn vẹn của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu;
d) Thực hiện lưu vết (ghi log) việc tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ cho việc quản lý, giám sát hệ thống;
đ) Thiết lập và duy trì hệ thống sao lưu, dự phòng, phục hồi dữ liệu trong các hệ thống lưu trữ, dự phòng dữ liệu của Bộ Tài chính theo quy định; bảo mật dữ liệu, bảo vệ khôi phục dịch vụ hệ thống, đảm bảo an toàn máy tính, an toàn mạng để cơ sở dữ liệu hoạt động liên tục, ổn định.
3. Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành
a) Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Tài chính, Cơ quan tài chính tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua mạng hạ tầng truyền thông thống nhất của ngành Tài chính;
b) Phương thức khai thác, sử dụng được thực hiện qua giao diện Web, giao diện thiết bị di động (Mobile Web), ứng dụng trên thiết bị di động (Mobile Apps).
c) Nền tảng công nghệ hỗ trợ khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành là công nghệ BI (Business Intellegence), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (Cloud Computing).
4. Kết nối trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính
Cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối trao đổi thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính theo các trường hợp sau:
a) Kết nối qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Bộ Tài chính (MOF-GSP);
b) Kết nối trực tiếp trong trường hợp nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của Bộ Tài chính (MOF-GSP) chưa sẵn sàng;
c) Kết nối trao đổi thông tin bằng các dịch vụ web (Web services);
d) Các hình thức kết nối trao đổi thông tin khác theo phương án kết nối thống nhất giữa đơn vị chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đơn vị chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính theo nguyên tắc hình thức kết nối trao đổi thông tin đề xuất phải tiên tiến, hiện đại theo xu hướng của cuộc CMCN 4.0.
Trên đây là nội dung quy định về yêu cầu chính của cơ sở dữ liệu chuyên ngành Bộ Tài chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2575/QĐ-BTC năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật