Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, Điều này được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 618/2013/UBTVQH13, cụ thể:
1. Phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật; phối hợp phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
2. Phục vụ Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản và ban hành những nghị quyết, quyết định về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công trình quan trọng quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về tổ chức và nhân sự nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
3. Phục vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, giám sát hoạt động của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội.
4. Phối hợp phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
5. Phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội công bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội; công bố việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
6. Phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
7. Phối hợp thực hiện việc tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng của công dân; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
8. Nghiên cứu, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội; giúp Chủ tịch Quốc hội giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội.
9. Phục vụ hoạt động của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc điều hành công việc chung của Quốc hội, bảo đảm việc thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội, các Quy chế hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
10. Đề xuất cải tiến chế độ làm việc của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và của đại biểu Quốc hội chuyên trách theo sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
11. Phối hợp phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và quy định chính sách, chế độ đối với Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Văn phòng Quốc hội.
12. Xây dựng dự kiến chương trình và tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cuộc làm việc khác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các cuộc làm việc của đại biểu Quốc hội chuyên trách; dự kiến và giúp tổ chức thực hiện chương trình công tác của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
13. Chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo do Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội giao; chuẩn bị các báo cáo công tác của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
14. Đôn đốc việc chuẩn bị và bảo đảm thủ tục trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các dự án, đề án, báo cáo, tờ trình của các cơ quan và tổ chức hữu quan.
15. Tổ chức và quản lý công tác thông tin, tin học, nghiên cứu khoa học, báo chí, xuất bản, thư viện của Quốc hội.
16. Giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc giữ mối quan hệ với Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
17. Phục vụ Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện kinh phí hoạt động của Quốc hội. Tổ chức và quản lý công tác đảm bảo cơ sở vật chất-kỹ thuật của Quốc hội, quản lý tài sản của Quốc hội; tổ chức công tác hành chính, văn thư, in ấn, lưu trữ, bảo vệ và lễ tân của cơ quan.
18. Ban hành văn bản thuộc thẩm quyền; hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển và các quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật; tư vấn, hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
19. Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Văn phòng Quốc hội; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế.
20. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật hoặc do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội giao.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11. Mong là những thông tin trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật