Đo lường rủi ro hoạt động của ngân hàng

Xin chào anh/chị trong Ban biên tập, tôi hiện đang tìm hiểu về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tôi được biết sang năm sẽ có quy định mới về này. Tôi có một số thắc mắc về vấn đề này mong được anh/chị trong Ban biên tập giải đáp giúp. Vậy anh/chị cho tôi hỏi theo quy định mới thì đo lường rủi ro hoạt động của ngân hàng được quy định như thế nào? Hy vọng anh/chị giải đáp giúp tôi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn! 

Đo lường rủi ro hoạt động của ngân hàng được quy định tại Khoản 3 Điều 42 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019), theo đó: 

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có công cụ đo lường rủi ro hoạt động thông qua việc lượng hóa tổn thất đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này theo 06 nhóm hoạt động kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên cơ sở áp dụng tối thiểu hai trong số các phương pháp sau đây:

a) Sử dụng các phát hiện của kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập (Audit findings);

b) Thu thập và phân tích số liệu tổn thất nội bộ và bên ngoài (Internal and external loss data collection and analysis) để xác định tổn thất nội bộ và của toàn hệ thống ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

c) Tự đánh giá kiểm soát rủi ro hoạt động (Risk Control Self Assessment - RCSA) để xác định hiệu quả của hoạt động kiểm soát đối với rủi ro hoạt động trước và sau khi kiểm soát;

d) Sơ đồ hóa các quy trình nghiệp vụ (Business Process Mapping - BPM) để xác định mức độ rủi ro hoạt động của từng quy trình nghiệp vụ, rủi ro hoạt động chung của các quy trình nghiệp vụ và mối liên hệ của các rủi ro này;

đ) Chỉ số kết quả kinh doanh và chỉ số rủi ro trọng yếu (Risk and Performance indicators) để theo dõi yếu tố tác động đến rủi ro hoạt động và xác định các hạn chế, tồn tại và tổn thất tiềm ẩn;

e) Phân tích kịch bản (Scenario Analysis) để xác định nguồn phát sinh rủi ro hoạt động và các yêu cầu kiểm soát, giảm thiểu rủi ro hoạt động trong các kịch bản và sự kiện có thể xảy ra.

Trên đây là tư vấn về đo lường rủi ro hoạt động của ngân hàng. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào