Giải trình, đối thoại, chất vấn, thẩm tra, xác minh, giám định trong quá trình tiến hành thanh tra của Kiểm toán Nhà nước

Giải trình, đối thoại, chất vấn, thẩm tra, xác minh, giám định trong quá trình tiến hành thanh tra của Kiểm toán nhà nước được quy định ra sao? Chào Ban biên tập, tôi là Thế Thu, tôi đang tìm hiểu quy định của pháp luật khi tiến hành thanh tra của kiểm toán nhà nước. Nhưng có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể: Giải trình, đối thoại, chất vấn, thẩm tra, xác minh, giám định trong quá trình tiến hành thanh tra của Kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào? Có văn bản nào quy định về vấn đề này không? Mong sớm nhận được phản hồi. Chân thành cảm ơn.

Giải trình, đối thoại, chất vấn, thẩm tra, xác minh, giám định trong quá trình tiến hành thanh tra của Kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 14 Quyết định 31/QĐ-KTNN năm 2016 về Quy trình Thanh tra của Kiểm toán nhà nước, cụ thể:

- Trưởng đoàn, Tổ trưởng, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích, đánh giá các thông tin tài liệu đã thu thập được; nếu thấy cần thiết thì yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình, tổ chức chất vấn, tiến hành kiểm tra, xác minh, đối chiếu số liệu… của các thông tin, tài liệu đó để làm cơ sở kết luận các nội dung thanh tra.

- Các trường hợp cụ thể

+ Yêu cầu giải trình: Đối với những sự việc, tài liệu phản ánh chưa rõ, chưa đủ cơ sở kết luận, Đoàn thanh tra, Tổ thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình bằng văn bản.

+ Đối thoại, chất vấn: trường hợp giải trình của đối tượng chưa rõ, Đoàn thanh tra, Tổ thanh tra tổ chức đối thoại, chất vấn đối tượng thanh tra để làm rõ thêm đúng, sai về nội dung và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; việc đối thoại, chất vấn được lập thành biên bản, trường hợp cần thiết thì ghi âm lại toàn bộ cuộc đối thoại, chất vấn.

+ Thẩm tra, xác minh: trường hợp các chứng cứ và giải trình của đối tượng thanh tra chưa rõ hoặc có nghi vấn, Trưởng đoàn thanh tra tiến hành thẩm tra, xác minh; kết quả thẩm tra, xác minh được lập thành biên bản kèm theo đầy đủ chứng cứ và tài liệu chứng minh. Nếu phải làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan (không là đối tượng thanh tra) để xác minh làm rõ các vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải xin ý kiến của Người ký quyết định thanh tra và chỉ thực hiện khi có văn bản đồng ý; trường hợp người ký quyết định thanh tra là Chánh Thanh tra sau khi phê duyệt phải báo cáo Tổng KTNN. Nội dung các buổi làm việc phải được lập thành biên bản; trường hợp không đến làm việc trực tiếp thì có thể yêu cầu trả lời bằng văn bản.

+ Trưng cầu giám định: Khi xét thấy cần có đánh giá về chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận, Trưởng đoàn thanh tra đề nghị Người ký quyết định thanh tra xem xét quyết định trưng cầu giám định; trường hợp Chánh Thanh tra ký quyết định thanh tra thì Chánh Thanh tra trình Tổng KTNN quyết định. Việc trưng cầu giám định phải bằng văn bản và tuân theo quy định của pháp luật về giám định.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc giải trình, đối thoại, chất vấn, thẩm tra, xác minh, giám định trong quá trình tiến hành thanh tra của Kiểm toán nhà nước. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại  Quyết định 31/QĐ-KTNN năm 2016 .

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào