Các trường hợp nhận dạng rủi ro hoạt động của ngân hàng

Xin chào anh/chị trong Ban biên tập, tôi hiện đang tìm hiểu về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tôi được biết sang năm sẽ có quy định mới về này. Tôi có một số thắc mắc về vấn đề này mong được anh/chị trong Ban biên tập giải đáp giúp. Vậy anh/chị cho tôi hỏi theo quy định mới thì việc nhận dạng rủi ro hoạt động của ngân hàng được thực hiện đối với các trường hợp nào? Hy vọng anh/chị giải đáp giúp tôi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn!  Minh Tiến - Tiền Giang

Trường hợp thực hiện nhận dạng rủi ro hoạt động của ngân hàng được quy định tại Khoản 2 Điều 42 Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019), theo đó: 

Việc nhận dạng rủi ro hoạt động được thực hiện đối với các trường hợp sau đây:

a) Gian lận nội bộ do hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, vi phạm các chiến lược, chính sách và quy định nội bộ liên quan đến ít nhất một cá nhân của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả hành vi không đúng chức trách, nhiệm vụ, hành vi vượt thẩm quyền, trộm cắp, lợi dụng thông tin nội bộ để trục lợi);

b) Gian lận bên ngoài do các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản do đối tượng bên ngoài gây nên mà không có sự trợ giúp, cấu kết của cá nhân, bộ phận của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả hành vi trộm cắp, cướp, giả mạo thẻ ngân hàng, chứng từ ngân hàng, xâm nhập hệ thống công nghệ thông tin để chiếm đoạt dữ liệu, tiền);

c) Chính sách về lao động, an toàn nơi làm việc không phù hợp hợp đồng lao động, quy định của pháp luật về lao động, bảo vệ sức khỏe và an toàn nơi làm việc;

d) Vô ý vi phạm quy định liên quan đến khách hàng, quy trình cung cấp sản phẩm và đặc tính sản phẩm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền đối với khách hàng (bao gồm cả hành vi vi phạm bảo mật thông tin khách hàng, vi phạm quy định về phòng chống rửa tiền, cung cấp sản phẩm dịch vụ trái quy định);

đ) Hư hỏng, mất mát tài sản, công cụ, thiết bị do các sự kiện bất khả kháng, tác động của con người và các sự kiện khác;

e) Gián đoạn hoạt động kinh doanh do hệ thống công nghệ, thông tin gặp sự cố;

g) Hạn chế, bất cập của quy trình giao dịch, kiểm soát giao dịch và quản lý giao dịch;

h) Các trường hợp khác theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trên đây là tư vấn về trường hợp thực hiện nhận dạng rủi ro hoạt động của ngân hàng. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.  

Chúc sức khỏe và thành công! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào