Nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên quy định tại Khoản 14 Điều 1 Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, cụ thể như sau:
a) Việc chuyển nhượng vốn nhà nước phải theo danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển nhượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp theo giai đoạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành; không phân biệt mức vốn đầu tư, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước lãi, lỗ; việc tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn, lập hồ sơ chuyển nhượng vốn, thực hiện công bố thông tin chuyển nhượng vốn, báo cáo kết quả chuyển nhượng vốn, thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phần và gửi các hồ sơ, báo cáo kết quả chuyển nhượng vốn cho cơ quan quản lý thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần mà điều lệ công ty cổ phần có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp (đối với trường hợp cổ đông chỉ được chuyển nhượng cổ phần của mình cho tổ chức, cá nhân là cổ đông hiện hữu của công ty) thì việc chuyển nhượng cổ phần để chuyển nhượng vốn của nhà nước thực hiện theo thứ tự các phương thức chuyển nhượng vốn quy định tại Nghị định này đối với cổ đông hiện hữu.
b) Bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, bảo toàn vốn nhà nước đầu tư ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn.
c) Việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước:
Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan chức năng được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền, giao nhiệm vụ bằng văn bản lựa chọn và ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hằng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Khi xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo theo quy định nêu trên. Trường hợp giá khởi điểm xác định theo quy định nêu trên thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần chuyển nhượng vốn thì lấy giá tham chiếu bình quân này làm giá khởi điểm chuyển nhượng vốn khi giao dịch trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán (sau đây gọi là sàn giao dịch chứng khoán) và giao dịch ngoài sàn giao dịch chứng khoán để chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết.
Việc sử dụng một mức giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định tại Nghị định này phải đảm bảo nguyên tắc thời gian tối đa không quá 06 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày giao dịch cuối cùng (đối với trường hợp giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán), hoặc tính đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn (đối với phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh), hoặc tính đến ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (theo phương thức thỏa thuận).
d) Việc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai. Khi chuyển nhượng vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm rà soát hồ sơ bàn giao doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) theo đúng quy định (trong đó có báo cáo về sử dụng đất của doanh nghiệp) và thực tế sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước làm cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất khi tính vào giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.
đ) Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc cơ quan chức năng được cơ quan đại diện chủ sở hữu ủy quyền, giao nhiệm vụ bằng văn bản thuê tổ chức đấu giá, thuê tổ chức tư vấn khác có hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến chuyển nhượng vốn để tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
e) Khi chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của Nghị định này, cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm công khai đầy đủ các thông tin về điều kiện đối với nhà đầu tư trúng đấu giá được chấp thuận là cổ đông của ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng có liên quan đến chuyển nhượng vốn góp của cổ đông tại các ngân hàng thương mại cổ phần để nhà đầu tư biết và thực hiện.
Trường hợp sau khi trúng đấu giá nhưng nhà đầu tư không đủ điều kiện được chấp thuận là cổ đông của ngân hàng thương mại cổ phần theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng thì nhà đầu tư không phải thanh toán tiền bán cổ phần cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, trường hợp đã thanh toán thì được hoàn trả (kể cả tiền đặt cọc) và số cổ phần chưa thanh toán hoặc đã thanh toán nhưng được hoàn trả tiền thuộc sở hữu của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
g) Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển nhượng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng giai đoạn, chỉ đạo cơ quan chức năng lập phương án chuyển nhượng vốn báo cáo Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thực hiện chuyển nhượng vốn. Phương án chuyển nhượng vốn gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Cơ sở pháp lý, mục đích chuyển nhượng vốn.
- Đánh giá tình hình đầu tư vốn, lợi ích thu được và ảnh hưởng của việc chuyển nhượng vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
- Tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, nhu cầu của thị trường đầu tư vốn vào doanh nghiệp có vốn nhà nước chuyển nhượng. Giá trị dự kiến thu được khi chuyển nhượng vốn.
- Phương thức chuyển nhượng vốn (trường hợp bán đấu giá theo lô thì phải báo cáo cụ thể căn cứ xác định trường hợp áp dụng đấu giá theo lô theo quy định).
- Dự kiến thời gian thực hiện và hoàn thành việc chuyển nhượng vốn.
h) Cơ quan đại diện chủ sở hữu không phải xây dựng lại phương án chuyển nhượng vốn khi chuyển đổi giữa các phương thức chuyển nhượng theo thứ tự thực hiện theo quy định (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận).
i) Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn thực góp trong vốn điều lệ của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phù hợp với từng lĩnh vực pháp luật chuyên ngành quy định hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc mở, sử dụng tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam khi doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng vốn góp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
k) Cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các chi phí có liên quan đến chuyển nhượng vốn nhà nước (bao gồm chi phí thẩm định giá, tổ chức đấu giá và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động chuyển nhượng vốn). Các chi phí này được trừ vào tiền thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn nhà nước không thành công hoặc tiền thu chuyển nhượng vốn không đủ để bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn thì được sử dụng tiền từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để bù đắp phần chi phí thực hiện chuyển nhượng vốn nhưng chưa có nguồn bù đắp.
l) Cơ quan đại diện chủ sở hữu chịu trách nhiệm giải quyết những tồn tại vướng mắc, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình thực hiện chuyển nhượng vốn nước theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên đây là nội dung câu trả lời về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên . Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật