Giám sát hàng hóa nhập khẩu vận chuyển bằng container hoặc hàng rời đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng biển
Giám sát hàng hóa nhập khẩu vận chuyển bằng container hoặc hàng rời đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng biển được quy định tại Khoản 31 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:
Giám sát hàng hóa vận chuyển bằng container hoặc hàng rời đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng biển như sau:
a) Trước thời điểm xếp dỡ hàng hóa từ phương tiện vận tải vào cảng:
a.1) Trách nhiệm của cơ quan hải quan: Căn cứ thông tin bộ hồ sơ tàu biển đã khai báo trên Hệ thống một cửa quốc gia, cung cấp thông tin danh sách hàng hóa dự kiến xếp dỡ tại cảng và danh sách container soi chiếu (nếu có) theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 (hàng container), mẫu số 02 (hàng rời) hoặc mẫu số 03 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.
Đối với danh sách hàng hóa dự kiến xếp dỡ tại cảng, thời gian cung cấp chậm nhất 08 giờ trước khi tàu dự kiến cập cảng. Đối với danh sách container soi chiếu (nếu có), thời gian cung cấp chậm nhất 04 giờ trước khi tàu dự kiến cập cảng;
a.2) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi: Tiếp nhận thông tin danh sách hàng hóa dự kiến xếp dỡ tại cảng và danh sách container soi chiếu (nếu có) từ Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
b) Trong quá trình xếp dỡ hàng hóa vào cảng:
b.1) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi:
b.1.1) Kiểm tra tình trạng bao bì chứa hàng hóa; đối chiếu sự phù hợp giữa thông tin danh sách hàng hóa dự kiến xếp dỡ với thực tế hàng hóa xếp dỡ tại cảng về số hiệu container, số niêm phong của hãng vận chuyển gắn trên container hoặc số lượng, trọng lượng, thể tích đối với hàng rời (tùy theo điều kiện giao nhận hàng hóa).
Trường hợp bao bì chứa hàng hóa không đảm bảo nguyên trạng, kết quả đối chiếu có sự sai khác hoặc phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện như sau:
b.1.1.1) Cập nhật thông tin sai khác theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 18 (hàng container) hoặc mẫu số 19 (hàng rời) Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
b.1.1.2) Thông báo ngay cho Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa biết về thông tin hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lưu giữ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật vào khu vực riêng;
b.1.1.3) Ký nhận Biên bản chứng nhận trong trường hợp có lập biên bản chứng nhận thông tin hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc thông tin hàng hóa sai khác giữa các bên có liên quan;
b.1.1.4) Tiếp nhận từ Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan thông tin bổ sung lô hàng không thuộc danh sách dự kiến xếp dỡ tại cảng nhưng thực tế có dỡ xuống cảng.
b.1.2) Sau khi hoàn thành việc xếp dỡ, cập nhật thông tin hàng hóa hạ bãi theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 14 (hàng container), mẫu số 15 (hàng rời). Trường hợp có thay đổi thông tin hàng hóa khi hạ bãi (sửa, hủy, thay đổi hình thức hạ bãi hoặc đơn vị tính đối với hàng rời) thì cập nhật theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 16, mẫu số 17, mẫu số 25 (hàng container), mẫu số 26 (hàng rời) hoặc mẫu số 27 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
b.1.3) Đối với container soi chiếu theo thông báo phối hợp của cơ quan hải quan:
b.1.3.1) Trường hợp địa điểm soi chiếu nằm trong khu vực cảng, vận chuyển container đến địa điểm soi chiếu; kết thúc việc soi chiếu, vận chuyển container về khu vực lưu giữ hàng hóa tại cảng theo quy định;
b.1.3.2) Trường hợp địa điểm soi chiếu nằm ngoài khu vực cảng; xuất trình container cho cơ quan hải quan thực hiện niêm phong, ký nhận Biên bản bàn giao; vận chuyển container đến địa điểm soi chiếu, cập nhật thông tin container ra khỏi cảng và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Kết thúc việc soi chiếu, vận chuyển container về khu vực lưu giữ hàng hóa tại cảng theo quy định, cập nhật thông tin container hạ bãi theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 14 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
b.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
b.2.1) Trên cơ sở thông tin tiếp nhận từ Hệ thống một cửa quốc gia, thông tin khác liên quan đến hàng hóa xếp dỡ (nếu có), Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định biện pháp giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải trong quá trình xếp dỡ hàng hóa tại cảng;
b.2.2) Trường hợp hàng hóa không đảm bảo nguyên trạng (như do mất hoặc vỡ niêm phong của hãng vận chuyển, rách hoặc vỡ vỏ container), kết quả đối chiếu có sự sai khác (như hàng hóa thừa hay không có thông tin trong danh sách dự kiến xếp dỡ) hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo thông báo của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi thì thực hiện như sau:
b.2.2.1) Công chức hải quan giám sát được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác định tính nguyên trạng bao bì chứa hàng hóa. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì áp dụng biện pháp giám sát (như niêm phong hải quan, giám sát bằng camera) và đề xuất Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định;
b.2.2.2) Sau khi kiểm tra, xác minh, có thông tin về hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc hàng hóa có sai khác giữ lượng hàng hóa thực tế hạ bãi với lượng hàng hóa trên vận đơn hoặc chứng từ giao nhận, bao bì chứa hàng hóa không đảm bảo nguyên trạng (do rách, vỡ, hỏng vỏ container), công chức hải quan giám sát được giao nhiệm vụ lập và ký Biên bản chứng nhận giữa các bên có liên quan, giao mỗi bên giữ 01 bản hoặc lập Biên bản vi phạm hành chính (nếu có) và xử lý theo quy định;
b.2.2.3) Đối với lô hàng không có thông tin theo danh sách dự kiến xếp dỡ tại cảng nhưng thực tế có dỡ xuống cảng, Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thông báo Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục phương tiện vận tải nhập cảnh yêu cầu người khai hải quan khai báo bổ sung trên Hệ thống một cửa quốc gia và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
b.2.3) Tiếp nhận thông tin hàng hóa hạ bãi, thông tin sửa hàng hóa hạ bãi. Trường hợp có thay đổi thông tin hàng hóa khi hạ bãi (hủy, thay đổi hình thức hạ bãi hoặc đơn vị tính đối với lô hàng) thì trên cơ sở thông tin đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi (có nêu rõ lý do), công chức hải quan được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện phê duyệt, cập nhật trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và cung cấp đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi;
b.2.4) Đối với container soi chiếu tại địa điểm nằm ngoài khu vực cảng: Công chức hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện niêm phong container, lập và ký Biên bản bàn giao, giao người vận chuyển 01 Biên bản bàn giao, theo dõi hồi báo và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; cập nhật thông tin container đủ điều kiện qua khu vực giám sát theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 04 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.
c) Thay đổi trạng thái hàng hóa trong quá trình lưu giữ hàng hóa tại cảng (xem hàng hóa trước khi khai hải quan, lấy mẫu hàng hóa hoặc thay đổi bao bì chứa hàng hóa):
c.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:
c.1.1) Trường hợp xem hàng hóa trước khi khai hải quan: thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư này;
c.1.2) Trường hợp lấy mẫu hàng hóa: thực hiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư này;
c.1.3) Trường hợp thay đổi bao bì chứa hàng hóa (đóng, rút hàng hóa tại cảng do rách, vỡ, hỏng, đổi vỏ container, đổi bao bì):
Thông báo thông tin thay đổi bao bì chứa hàng hóa theo quy định tại mẫu số 37 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này gửi Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi để phối hợp thực hiện;
c.1.4) Ký nhận Biên bản chứng nhận sau khi hoàn thành công việc xem hàng hóa trước khi khai hải quan, lấy mẫu hàng hóa hoặc thay đổi bao bì chứa hàng hóa (nếu có) theo quy định.
c.2) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi:
Phối hợp chứng kiến việc thực hiện theo đề nghị của cơ quan hải quan hoặc người khai hải quan; ký nhận Biên bản chứng nhận (nếu có) và thực hiện việc thay đổi trạng thái hàng hóa như sau:
c.2.1) Đối với hàng container:
c.2.1.1) Toàn bộ lô hàng vẫn lưu giữ trong container nhưng có thay đổi niêm phong: Cập nhật số niêm phong của hãng vận chuyển hoặc hải quan (nếu có) theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 24 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
c.2.1.2) Toàn bộ lô hàng được chuyển sang container khác: Cập nhật trạng thái container đã rút hàng sang trạng thái container rỗng và cập nhật số container chứa hàng, số niêm phong của hãng vận chuyển hoặc hải quan (nếu có) theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 20 và mẫu số 14 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
c.2.1.3) Toàn bộ lô hàng được rút ra khỏi container để tại cảng, kho, bãi dưới dạng rời: Sau khi hoàn thành việc rút hàng, cập nhật trạng thái container đã rút hàng sang trạng thái container rỗng đồng thời cập nhật trạng thái hàng hóa rút ra khỏi container như đối với hàng rời theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 20 và mẫu số 15 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
c.2.1.4) Một phần hàng hóa rút ra khỏi container để đóng sang container khác hoặc để tại cảng dưới dạng rời: Phần hàng giữ nguyên trong container thực hiện như tiết c.2.1.1 khoản này; phần hàng đóng trong container mới thực hiện như tiết c.2.1.2 khoản này trừ việc cập nhật trạng thái container đã rút hàng; phần hàng rời thực hiện như tiết c.2.1.3 khoản này trừ việc cập nhật trạng thái container đã rút hàng.
c.2.2) Đối với hàng rời:
c.2.2.1) Toàn bộ hàng hóa được đóng vào container để đưa qua khu vực giám sát: Sau khi hoàn thành việc đóng hàng hóa vào container, cập nhật thông tin hàng rời đã đóng vào container đồng thời cập nhật thông tin thay đổi trạng thái từ container rỗng thành trạng thái container có hàng theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 22 và mẫu số 23 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
c.2.2.2) Một phần của lô hàng được đóng vào container, một phần giữ nguyên ở dạng rời để đưa qua khu vực giám sát: Sau khi hoàn thành việc đóng hàng, cập nhật thông tin hàng rời đã đóng vào container như trường hợp quy định tại điểm c.2.2.1 khoản này, phần để rời thực hiện gửi thông tin hàng hóa hạ bãi theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 15 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
c.3) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
c.3.1) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định biện pháp, phương thức giám sát quá trình thay đổi trạng thái hàng hóa và giao công chức hải quan thực hiện trên cơ sở thông tin thông báo đề nghị thay đổi bao bì chứa hàng hóa từ người khai hải quan, thông tin khác có liên quan (nếu có);
c.3.2) Công chức hải quan được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện niêm phong hải quan theo quy định (nếu có); lập và ký Biên bản chứng nhận giữa các bên liên quan và giao mỗi bên giữ 01 bản sau khi hoàn thành việc chứng kiến;
c.3.3) Trường hợp thay đổi bao bì chứa hàng hóa làm thay đổi mã hiệu phương thức vận chuyển trên tờ khai hải quan, công chức hải quan được giao nhiệm vụ giám sát cập nhật mã hiệu phương thức vận chuyển mới, số hiệu container mới (nếu có) trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và cung cấp thông tin đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi;
c.3.4) Tiếp nhận, cập nhật thông tin thay đổi nguyên trạng hàng hóa từ Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi (nếu có).
d) Khi đưa hàng hóa ra khỏi cảng
d.1) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:
d.1.1) Cung cấp thông tin hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 04 (hàng container) hoặc mẫu số 05 (hàng rời) Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.
Trường hợp thay đổi trạng thái tờ khai hải quan (tạm dừng, bỏ tạm dừng, hủy sau thông quan) hoặc thay đổi container đủ điều kiện qua khu vực giám sát (sửa, hủy) thì cơ quan hải quan nơi thực hiện (tạm dừng, bỏ tạm dừng, hủy sau thông quan) cập nhật thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 06 hoặc mẫu số 07 Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.
Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi gửi thông tin đề nghị hủy xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát đối với lô hàng (có nêu rõ lý do), công chức hải quan được giao nhiệm vụ giám sát kiểm tra lý do để xem xét, quyết định cho phép việc hủy xác nhận hàng hóa qua trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và cung cấp thông tin đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi;
d.1.2) Tiếp nhận thông tin hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan từ Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi;
d.1.3) Hướng dẫn người khai hải quan hoàn thành thủ tục đối với lô hàng chưa đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan theo thông báo của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi (nếu có);
d.1.4) Đối với hàng rời có sai lệch về số lượng hoặc trọng lượng so với số lượng hoặc trọng lượng khai báo trên tờ khai hải quan khi qua khu vực giám sát, công chức hải quan được giao nhiệm vụ hướng dẫn người khai hải quan khai bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư này;
d.1.5) Đối với hàng rời (dưới dạng kiện) có thay đổi về số lượng kiện theo khai báo trên tờ khai hải quan với thực tế hàng hóa hạ bãi (do trong quá trình xếp dỡ, lưu giữ hàng hóa bị rách, vỡ bao bì chứa hàng làm thay đổi số lượng kiện hoặc đơn vị tính số lượng hàng hóa) thì trên cơ sở thông tin đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, công chức hải quan được giao nhiệm vụ phê duyệt thông tin số lượng kiện thực tế để cho phép qua khu vực giám sát hải quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và gửi đến Hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.
d.2) Trách nhiệm của người khai hải quan:
Cung cấp thông tin (số tờ khai hải quan hoặc số quản lý hàng hóa) của lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan cho doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi;
d.3) Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi:
Đối chiếu sự phù hợp giữa thông tin tiếp nhận từ Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan với thực tế hàng hóa khi đưa ra khỏi cảng về số hiệu container, số niêm phong của hãng vận chuyển hoặc hải quan (nếu có) gắn trên container; số lượng kiện, trọng lượng hoặc thể tích đối với hàng rời (tùy theo điều kiện giao nhận hàng) và thực hiện như sau:
d.3.1) Cho phép đưa hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan nếu kết quả đối chiếu phù hợp (bao gồm cả trường hợp hàng rời có chênh lệch thiếu về trọng lượng so với trọng lượng khai báo trên tờ khai hải quan khi qua khu vực giám sát);
d.3.2) Không cho phép đưa hàng hóa ra khỏi khu vực giám sát hải quan nếu kết quả đối chiếu không phù hợp (bao gồm lượng hàng rời có chênh lệch thừa về trọng lượng so với trọng lượng khai báo trên tờ khai hải quan đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan) hoặc chưa nhận được thông tin lô hàng đủ điều kiện qua khu vực giám sát hải quan hoặc nhận được thông tin tạm dừng đưa hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan; đồng thời thông báo người khai hải quan liên hệ cơ quan hải quan để hoàn thành thủ tục cho lô hàng theo quy định;
d.3.3) Chậm nhất 15 phút kể từ khi hàng hóa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan, cập nhật thông tin lô hàng đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan theo chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 21 (hàng container) hoặc mẫu số 22 (hàng rời) Phụ lục X ban hành kèm Thông tư này và gửi đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Trên đây là tư vấn về giám sát hàng hóa nhập khẩu vận chuyển bằng container hoặc hàng rời đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng biển. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Thông tư 39/2018/TT-BTC. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật