Lấy lời khai của đương sự được quy định ra sao trong tố tụng hành chính?
Căn cứ theo quy định tại Điều 79 Luật tố tụng hành chính 2010, lấy lời khai của đương sự được quy định như sau:
1. Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản khai và ký tên của mình. Trong trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự. Việc lấy lời khai của đương sự chỉ tập trung vào những tình tiết mà đương sự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Thẩm phán tự mình hoặc Thư ký Toà án ghi lại lời khai của đương sự vào biên bản. Thẩm phán lấy lời khai của đương sự tại trụ sở Toà án, trong trường hợp cần thiết có thể lấy lời khai của đương sự ngoài trụ sở Toà án.
2. Biên bản ghi lời khai của đương sự phải được người khai tự đọc lại hay nghe đọc lại và ký tên hoặc điểm chỉ. Đương sự có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản ghi lời khai và ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận. Biên bản phải có chữ ký của người lấy lời khai, người ghi biên bản và dấu của Toà án; nếu biên bản được ghi thành nhiều trang rời nhau thì phải ký vào từng trang và đóng dấu giáp lai. Trường hợp biên bản ghi lời khai của đương sự được lập ngoài trụ sở Toà án thì phải có người làm chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân, cơ quan công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi lập biên bản. Trường hợp đương sự không biết chữ thì phải có người làm chứng do đương sự chọn.
3. Việc lấy lời khai của đương sự chưa đủ 18 tuổi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải được tiến hành với sự có mặt của người đại diện theo pháp luật hoặc người đang thực hiện việc quản lý, trông nom người đó.
Trên đây là nội dung tư vấn về Lấy lời khai của đương sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Luật tố tụng hành chính 2010. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật