Việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo liên quan Kiểm toán Nhà nước được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Quyết định 161/QĐ-KTNN năm 2016 Quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Kiểm toán nhà nước, việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo được quy định như sau:
1. Sau khi có kết luận về nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải căn cứ kết luận nội dung tố cáo để xử lý như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ thuộc thẩm quyền xử lý của mình thì người giải quyết tố cáo ban hành quyết định thu hồi tiền, tài sản (nếu có); thực hiện các thủ tục để xử lý kỷ luật và áp dụng các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để xử lý vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
b) Đối với hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình thì người giải quyết tố cáo chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó xử lý vi phạm và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
c) Đối với hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm thì người giải quyết tố cáo trình Tổng KTNN chuyển hồ sơ về hành vi vi phạm đó cho Cơ quan điều tra. Hồ sơ bàn giao cho Cơ quan điều tra là hồ sơ được lập trong quá trình giải quyết tố cáo và phải được sao lại để lưu trữ.
d) Đối với hành vi vi phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c khoản này thì có văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm, đồng thời gửi kèm hồ sơ về hành vi vi phạm đó.
đ) Trong trường hợp người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật thì người giải quyết tố cáo phải áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý người tố cáo hoặc chỉ đạo, kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Thông tin về người cố ý tố cáo sai sự thật, tài liệu, bút tích liên quan đến nội dung cố ý tố cáo sai sự thật được sử dụng để phục vụ cho việc xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.
2. Các văn bản xử lý tố cáo nêu tại Điểm a, b Khoản 1 Điều này phải ghi rõ thời gian hoàn thành các nội dung xử lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Quyết định 161/QĐ-KTNN năm 2016.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật