Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 10 Luật An ninh mạng 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định cụ thể như sau:
- Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng.
- Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:
+ Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu;
+ Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước;
+ Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng;
+ Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái;
+ Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia;
+ Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương;
+ Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí;
+ Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.
- Thủ tướng Chính phủ ban hành và sửa đổi, bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
- Chính phủ quy định việc phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng trong việc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Trên đây là nội dung tư vấn về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật An ninh mạng 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật