Người giải quyết tố cáo là ai?
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì người giải quyết tố cáo được quy định cụ thể như sau:
Người giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Người giải quyết tố cáo có các quyền và nghĩa vụ cụ thể như sau:
- Người giải quyết tố cáo có các quyền sau đây:
+ Yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được;
+ Yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;
+ Yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;
+ Tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;
+ Kết luận nội dung tố cáo;
+ Xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
+ Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;
+ Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
+ Không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo;
+ Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
+ Thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo;
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;
+ Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.
Trên đây là nội dung tư vấn về người giải quyết tố cáo. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Tố cáo 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật