Các trường hợp thực hiện thiết quân luật theo Luật Quốc phòng 2018 mới nhất
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Quốc phòng 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì các trường hợp Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật được quy định cụ thể như sau:
Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.
Lệnh thiết quân luật phải xác định cụ thể địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thiết quân luật, biện pháp, hiệu lực thi hành; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân; các quy tắc trật tự xã hội cần thiết ở địa phương thiết quân luật và được công bố liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Căn cứ vào lệnh của Chủ tịch nước về thiết quân luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện lệnh thiết quân luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được giao thực hiện nhiệm vụ tại địa phương thiết quân luật thực hiện các biện pháp thi hành lệnh thiết quân luật theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian thiết quân luật, việc quản lý nhà nước tại địa phương thiết quân luật được giao cho đơn vị quân đội thực hiện. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương thiết quân luật có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp đặc biệt quy định tại khoản 6 Điều này và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện lệnh thiết quân luật và chịu trách nhiệm về việc áp dụng các biện pháp đó. Người chỉ huy đơn vị quân đội được giao quản lý địa phương cấp tỉnh thiết quân luật được quyền trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản thực hiện theo quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Quốc phòng 2018.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật