Trích khấu hao tài sản cố định của các cơ quan, đơn vị Nhà nước
Trích khấu hao tài sản cố định của các cơ quan, đơn vị nhà nước quy định tại Điều 16 Thông tư 45/2018/TT-BTC về hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:
1. Đối với tài sản cố định quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư này và tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư này được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, đơn vị thực hiện chế độ quản lý, trích khấu hao theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp.
Đơn vị lập và gửi cơ quan quản lý thuế trực tiếp thông tin về tỷ lệ khấu hao, số khấu hao trong năm (theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) để theo dõi, quản lý; thời hạn gửi trước ngày 01 tháng 01 hàng năm.
2. Việc điều chỉnh tỷ lệ khấu hao tài sản cố định quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện như sau:
a) Đối với tài sản cố định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư này, trường hợp việc trích khấu hao theo quy định tại khoản 1 Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ khấu hao tài sản cố định cho phù hợp, đảm bảo chất lượng và giá dịch vụ sự nghiệp công mà đơn vị sự nghiệp cung cấp;
b) Đối với tài sản cố định quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Thông tư này, trường hợp việc trích khấu hao theo quy định tại khoản 1 Điều này ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thì đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ khấu hao tài sản cố định đảm bảo phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định và không thấp hơn tỷ lệ hao mòn tài sản cố định tương ứng quy định tại Thông tư này;
c) Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư này được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, trường hợp cần thiết trích khấu hao theo tỷ lệ hao mòn tài sản cố định tương ứng quy định tại Thông tư này, đơn vị sử dụng tài sản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ khấu hao tài sản cố định cho phù hợp.
3. Đối với tài sản cố định quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư này (trừ tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập) vừa sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện như sau:
a) Đơn vị tính toán, xác định tổng giá trị hao mòn trong năm của tài sản cố định theo tỷ lệ hao mòn tài sản cố định quy định tại Thông tư này;
b) Căn cứ thời gian sử dụng, tần suất sử dụng hoặc khối lượng công việc hoàn thành, đơn vị tính toán phân bổ số khấu hao và số hao mòn trong tổng giá trị hao mòn đã xác định tại điểm a khoản này; lập và gửi cơ quan quản lý thuế trực tiếp thông tin về số khấu hao và số hao mòn tài sản trong năm (theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) để theo dõi, quản lý; thời hạn gửi trước ngày 01 tháng 01 hàng năm;
c) Đơn vị thực hiện phân bổ số khấu hao đã đăng ký để hạch toán kế toán vào chi phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, chi phí kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; thực hiện hạch toán kế toán hao mòn tài sản cố định đối với số hao mòn.
(Ví dụ 3 tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này).
4. Đối với tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào hoạt động liên doanh, liên kết quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư này thì thực hiện như sau:
a) Việc xác định giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập để góp vốn liên doanh, liên kết thực hiện theo hướng dẫn tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan làm cơ sở để cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt giá trị thương hiệu của đơn vị thực hiện góp vốn liên doanh, liên kết;
b) Giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập để góp vốn liên doanh, liên kết do cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt được phân bổ tương ứng với thời gian góp vốn liên doanh, liên kết theo đề án sử dụng tài sản vào mục đích liên doanh, liên kết để hạch toán kế toán vào chi phí cung ứng dịch vụ của thời hạn liên doanh, liên kết.
5. Quản lý, sử dụng số tiền trích khấu hao:
Số tiền trích khấu hao đối với tài sản cố định quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Riêng trường hợp tài sản cố định được đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn vay, vốn huy động thì số tiền trích khấu hao tài sản cố định được sử dụng để trả nợ gốc và lãi; số còn lại (nếu có) được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Trên đây là nội dung câu trả lời về trích khấu hao tài sản cố định của các cơ quan, đơn vị nhà nước. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 45/2018/TT-BTC.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật