Trả nợ gốc khoản vay của chính quyền địa phương

Trả nợ gốc khoản vay của chính quyền địa phương được quy định như thế nào? Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về nợ của chính quyền địa phương. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Trả nợ gốc khoản vay của chính quyền địa phương được quy định như thế nào? Có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này không? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập. Hải Yến (hai_yen***@gmail.com)

Trả nợ gốc khoản vay của chính quyền địa phương được quy định tại Điều 12 Nghị định 93/2018/NĐ-CP về quản lý nợ của chính quyền địa phương như sau:

1. Nguồn chi trả nợ gốc khoản vay của chính quyền địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ, gồm:

a) Số vay để trả nợ gốc được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hằng năm;

b) Bội thu ngân sách địa phương cấp tỉnh;

c) Kết dư ngân sách cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước;

d) Tăng thu, tiết kiệm chi so với dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước.

2. Căn cứ nguồn đã bố trí và nghĩa vụ trả nợ đến hạn, Sở Tài chính phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện việc chi trả nợ gốc khoản vay từ quỹ ngân sách cấp tỉnh theo quy định.

3. Trường hợp nhu cầu hoặc phát sinh việc trả trước nợ gốc khoản vay của chính quyền địa phương mà vượt nguồn đã dự kiến, Sở Tài chính tổng hợp và đề xuất phương án xử lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Thường trực Hội đồng nhân dân hoặc Hội đồng nhân dân cùng cấp để điều chỉnh lại dự toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

4. Đối với khoản chi trả nợ gốc từ nguồn vay có thể thực hiện theo phương thức hoán đổi toàn bộ hoặc một phần nguồn vốn chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương như sau:

a) Trước khi phân bổ dự toán vốn đầu tư phát triển phải trừ tương ứng số dự kiến cần vay để chi trả nợ gốc;

b) Trong quá trình điều hành, sau khi thực hiện được khoản vay để chi trả nợ gốc sẽ hoàn nguồn cho chi đầu tư phát triển để phân bổ cho các dự án đầu tư. Trường hợp không vay được hoặc vay thấp hơn mức dự kiến, thì phải thực hiện cắt giảm vốn đầu tư phát triển tương ứng (ngân sách địa phương phải giảm bội chi hoặc tăng bội thu để dành nguồn bảo đảm chi trả nợ gốc).

Trên đây là nội dung quy định về việc trả nợ gốc khoản vay của chính quyền địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 93/2018/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chính quyền địa phương

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào