Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được tiến hành kiểm tra như thế nào?
Việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được tiến hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Quy định về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 07/2016/QĐ-KTNN với nội dung như sau:
Căn cứ kế hoạch kiểm tra đã được duyệt, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, sử dụng các phương pháp kiểm tra để xác nhận với đơn vị được kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, từ đó đưa ra kết luận chính xác, trung thực, khách quan về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị; cụ thể:
- Nội dung kiểm tra chủ yếu:
+ Việc lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;
+ Thời hạn nộp báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán so với quy định tại Báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán tại đơn vị kiểm toán chi tiết;
+ Tình hình thực hiện đối với tất cả các kết luận, kiến nghị kiểm toán (bao gồm cả những kết luận, kiến nghị chưa thực hiện những năm trước) từ xử lý các nghiệp vụ kinh tế và thực hiện nghĩa vụ với NSNN; chấp hành chế độ chính sách, pháp luật của nhà nước; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân cho đến việc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và quản lý điều hành;
+ Xác định những kết luận, kiến nghị kiểm toán đơn vị đã thực hiện, đang thực hiện kèm theo những bằng chứng cụ thể; những kết luận, kiến nghị chưa thực hiện, xác định rõ nguyên nhân (chủ quan, khách quan) và đưa ra hướng khắc phục.
- Hoạt động nghiệp vụ kiểm tra chủ yếu:
+ Yêu cầu đơn vị được kiểm tra cung cấp tài liệu liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán như:
- Báo cáo thực hiện của tổ chức, đơn vị về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo Đề cương hướng dẫn của Đoàn kiểm tra;
- Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán (Chứng từ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 165/2015/TT-BTC ngày 05/11/2015; các văn bản ban hành để chỉ đạo, xử lý, khắc phục các kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán; kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân…);
- Văn bản khiếu nại, kiến nghị của đơn vị về kết luận, kiến nghị kiểm toán và tài liệu liên quan (nếu có).
+ Nghiên cứu, phân tích, xem xét, xử lý thông tin và số liệu, bằng chứng để kiểm tra các kết luận, kiến nghị kiểm toán đã thực hiện, đang thực hiện và những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện, nguyên nhân chưa thực hiện;
+ Yêu cầu giải trình, đối thoại chất vấn, xác minh, làm việc với cơ quan liên quan để làm rõ, xác nhận tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo nguyên tắc mọi nội dung làm căn cứ xác nhận, kết luận phải được thể hiện bằng văn bản (công văn, biên bản làm việc, ...)
- Phương pháp kiểm tra chủ yếu:
+ Phương pháp đối chiếu: Đối chiếu kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo báo cáo của đơn vị với: (i) Kết luận, kiến nghị trên báo cáo kiểm toán; (ii) Kết luận, kiến nghị đang thực hiện, chưa thực hiện trên báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kỳ trước (nếu có); (iii) Hồ sơ, chứng từ chứng minh cho việc đã hoặc đang thực hiện kiến nghị.
+ Phương pháp phỏng vấn: Phỏng vấn các đối tượng đơn vị cử làm việc với tổ kiểm tra để làm rõ các vấn đề có liên quan.
+ Phương pháp phân tích: Phân tích tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị, nguyên nhân chủ quan, khách quan của việc chưa thực hiện kiến nghị.
+ Phương pháp tổng hợp: Tổng hợp tình hình kiểm tra để lập biên bản kiểm tra, tổng hợp các biên bản để lập báo cáo kiểm tra.
Trên đây là nội dung trả lời về việc tiến hành kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Quyết định 07/2016/QĐ-KTNN.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật