Đại hội Đại biểu của Liên đoàn luật sư Việt Nam

Đại hội Đại biểu của Liên đoàn luật sư Việt Nam được quy định như thế nào? Chào Ban biên tập, tôi là Nguyễn Thành Công, là công chức hiện đang làm việc tại một cơ quan nhà nước, có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể: Đại hội Đại biểu của Liên đoàn luật sư Việt Nam được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này không? Mong sớm nhận được phản hồi.

Đại hội Đại biểu của Liên đoàn luật sư Việt Nam được quy định tại Điều 6 Quyết định 1573/QĐ-BTP năm 2015 phê duyệt Điều lệ Liên đoàn luật sư Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành. Cụ thể:

1. Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc do Hội đồng Luật sư toàn quốc triệu tập theo nhiệm kỳ năm (05) năm một lần. Đại hội có thể được triệu tập bất thường theo quyết định của Hội đồng Luật sư toàn quốc; hoặc yêu cầu của ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số Uỷ viên Hội đồng Luật sư toàn quốc; hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải sửa đổi, bổ sung Điều lệ Liên đoàn Luật sư, bầu bổ sung Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc hoặc quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc.

2. Đại biểu Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc gồm:

a) Đại biểu đương nhiên là các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc đương nhiệm và các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc đã miễn nhiệm do không tái cử Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tại Đại hội nhiệm kỳ Đoàn Luật sư trước Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc;

b) Đại biểu do Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn Luật sư bầu với số lượng theo sự phân bổ của Hội đồng Luật sư toàn quốc.

3. Đại biểu Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc phải là luật sư có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, Nội quy Đoàn Luật sư; có tinh thần trách nhiệm và khả năng đóng góp vào những quyết định của Đại hội; không phải là người đã bị xử lý kỷ luật trong nhiệm kỳ do vi phạm Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, Nội quy Đoàn Luật sư hoặc đang bị Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư xem xét xử lý kỷ luật; không phải là người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc hợp lệ nếu có ít nhất hai phần ba (2/3) số đại biểu được triệu tập tham dự. Trong trường hợp không đủ hai phần ba (2/3) số đại biểu được triệu tập tham dự Đại hội thì trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày triệu tập lần thứ nhất phải triệu tập Đại hội lần thứ hai. Đại hội triệu tập lần thứ hai hợp lệ khi có trên một phần hai (1/2) số đại biểu được triệu tập tham dự.

5. Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thảo luận báo cáo của Hội đồng Luật sư toàn quốc về kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua; quyết định phương hướng hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ tiếp theo;

b) Thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ (nếu có);

c) Bầu Uỷ viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư;

d) Thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Hội đồng Luật sư toàn quốc hoặc của Ban Thường vụ Liên đoàn.

6. Nghị quyết Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc được thông qua khi có trên một phần hai (1/2) số đại biểu có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành.

7. Căn cứ quy định Điều lệ này và quy định của pháp luật, Hội đồng Luật sư toàn quốc hướng dẫn cụ thể cho từng kỳ Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc về nội dung, thành phần tham dự Đại hội, việc bầu đại biểu tham dự Đại hội; chuẩn bị các văn kiện và thực hiện các thủ tục cần thiết khác trình Đại hội thông qua.

Trên đây là nội dung câu trả lời về đại hội Đại biểu của Liên đoàn luật sư Việt Nam. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 1573/QĐ-BTP năm 2015.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đại hội đại biểu

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào