Người bị hại được quy định ra sao tại Bộ luật tố tụng hình sự 1988?
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự 1988, người bị hại được quy định như sau:
1- Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra.
2- Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; có quyền đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.
Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này.
3- Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm theo Điều 242 Bộ luật hình sự.
4- Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 88 Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà.
Trên đây là nội dung tư vấn về Người bị hại trong bộ luật tố tụng hình sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 1988. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật