Những việc nào Thẩm phán phải làm khi ứng xử tại cơ quan?

Xin chào, tôi tên Mai Đào sinh viên trường Học viện Tòa án. Tôi hiện đang tìm hiểu về quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán để hoàn thiện bài báo cáo của mình. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thì tôi thấy kiến thức mình có hạn, nên cần sự trợ giúp từ các bạn, cụ thể: Những việc nào Thẩm phán phải làm khi ứng xử tại cơ quan? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn! (01233**)

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 về Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán do Hội đồng Tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia ban hành, Những việc Thẩm phán phải làm:

a) Thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình;

b) Giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, đơn vị; tôn trọng và thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan; phát huy dân chủ, kinh nghiệm, sáng tạo của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ;

c) Tích cực thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định khác về cán bộ, công chức và thi hành công vụ;

d) Chấp hành quyết định hành chính của người lãnh đạo, quản lý. Khi thực hiện quyết định hành chính của người lãnh đạo, quản lý, nếu có căn cứ cho rằng quyết định đó là vi phạm pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thực hiện quyết định đó gây ra;

đ) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;

e) Ứng xử có văn hóa, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của lãnh đạo và đồng nghiệp; hợp tác với đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trên đây là nội dung tư vấn về những việc thẩm phán phải làm khi ứng xử tại cơ quan. Để hiểu rõ và chi tiết hơn vui lòng xem thêm tại Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẩm phán

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào