9 bước chăm sóc sức khỏe trước khi sinh

9 bước chăm sóc sức khỏe trước khi sinh bao gồm những gì? Tôi đang theo học lớp y tá tại TPHCM. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. 9 bước chăm sóc sức khỏe trước khi sinh bao gồm những bước gì? Vấn đề này được quy định ở đâu? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập. Hoàng Anh (hoang_anh***@gmail.com)

9 bước chăm sóc sức khỏe trước khi sinh được quy định tại Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016 như sau:

Mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ (1 lần trong 3 tháng đầu, 1 lần trong 3 tháng giữa, 2 lần trong 3 tháng cuối).

Chăm sóc trước sinh cần được thực hiện theo 9 bước sau:

1. Hỏi.

1.1. Bản thân.

- Họ và tên.

- Tuổi.

- Nghề nghiệp, điều kiện lao động: tư thế làm việc ngồi hay đứng, chế độ nghỉ ngơi, có tiếp xúc độc hại không.

- Địa chỉ (chú ý vùng sâu, xa).

- Dân tộc (chú ý dân tộc thiểu số).

- Trình độ học vấn.

- Điều kiện sống, kinh tế (chú ý hoàn cảnh đói nghèo...).

1.2. Sức khỏe.

1.2.1. Hiện tại.

Hiện mắc có dấu hiệu gì bất thường, nếu có, mắc từ bao giờ, diễn biến thế nào, đã điều trị gì, kết quả điều trị, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, đang dùng thuốc gì. Chú ý các bệnh nhiễm khuẩn đang lưu hành ở địa phương và các bệnh mãn tính.

1.2.2. Tiền sử bệnh.

Mắc những bệnh gì? Lưu ý những bệnh phải nằm viện, phải phẫu thuật, phải truyền máu, các tai nạn, dị ứng, nghiện rượu, thuốc lá, ma túy, các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tâm thần, nội tiết, bệnh về máu, gan, thận.

1.2.3. Tiền sử sản khoa (PARA).

- Đã có thai bao nhiêu lần, ghi theo 4 số (không kể lần có thai này):

+ Số thứ nhất là số lần đẻ đủ tháng.

+ Số thứ hai là số lần đẻ non.

+ Số thứ ba là số lần sẩy thai hoặc phá thai.

+ Số thứ tư là số con hiện sống.

Ví dụ: 2012: đã đẻ đủ tháng 2 lần, không đẻ non, 1 lần sẩy hoặc phá thai, hiện 2 con sống.

- Với từng lần có thai:

+ Tuổi thai khi kết thúc (để biết đẻ non hay đủ tháng).

+ Nơi đẻ: bệnh viện, trạm xá, tại nhà, đẻ rơi.

+ Thời gian chuyển dạ.

+ Cách đẻ: thường, khó (forceps, giác kéo, phẫu thuật lấy thai...).

+ Các bất thường khi mang thai (ra máu, tiền sản giật…), khi đẻ (ngôi bất thường, đẻ khó, thai dị dạng), sau đẻ (chảy máu, nhiễm khuẩn).

+ Cân nặng con khi đẻ.

+ Giới tính con.

+ Tình trạng con khi đẻ ra: khóc ngay, ngạt, chết...

1.2.4. Hỏi về tiền sử phụ khoa.

Có điều trị vô sinh, điều trị nội tiết, các bệnh NKĐSS, bệnh LTQĐTD, thủ thuật ở cổ tử cung (đốt nhiệt, đốt điện, laser, áp lạnh) các khối u phụ khoa, sa sinh dục, các phẫu thuật phụ khoa...

1.2.5. Hỏi về các biện pháp tránh thai đã dùng.

- Loại biện pháp tránh thai (BPTT).

- Thời gian sử dụng của từng biện pháp.

- Lý do ngừng sử dụng.

- BPTT dùng ngay trước lần có thai này (nếu có dùng, lý do mang thai).

1.2.6. Hỏi về lần có thai này.

- Chu kỳ kinh nguyệt có đều không và ngày đầu của kỳ kinh cuối.

- Các triệu chứng nghén.

- Ngày thai máy.

- Sụt bụng (xuất hiện 1 tháng trước đẻ, do ngôi thai xuống thấp).

- Các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu, dịch tiết âm đạo tăng.

- Mệt mỏi, uể oải, đau đầu, ăn kém ngon (dấu hiệu thiếu máu).

- Nhức đầu, hoa mắt, đau thượng vị, nôn mửa (dấu hiệu tiền sản giật).

1.3. Gia đình.

- Sức khỏe, tuổi bố mẹ, anh chị, còn sống hay đã chết. Nếu chết, cho biết lý do.

- Có ai mắc bệnh nội khoa: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, gan, thận,…

- Có ai mắc bệnh nhiễm khuẩn: lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD), HIV/AIDS, sốt rét,

- Các tình trạng bệnh lý khác: sinh đôi, đẻ con dị dạng, dị ứng...

- Hỏi để sàng lọc bạo hành phụ nữ, nếu phát hiện, xử lý các bước theo hướng dẫn trong bài “Sàng lọc và đáp ứng của nhân viên y tế đối với bạo hành phụ nữ”

1.4. Tiền sử hôn nhân.

- Lấy chồng năm bao nhiêu tuổi.

- Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, sức khỏe, bệnh tật của chồng.

1.5. Dự tính ngày sinh theo ngày đầu của kỳ kinh cuối.

- Tính đúng 40 tuần kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối.

- Theo dương lịch, lấy ngày đầu của kỳ kinh cuối cộng 7, tháng cuối cộng 9 (hoặc trừ 3 nếu tổng số lớn hơn 12).

Thí dụ: Ngày đầu của kỳ kinh cuối 15/9/2007.

Ngày dự kiến đẻ 22/6/2008.

Có thể sử dụng bảng quay tính ngày dự kiến đẻ.

- Nếu không nhớ ngày đầu của kỳ kinh cuối thì có thể dựa trên kết quả siêu âm để xác định tuổi thai (chính xác nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ).

- Nếu sản phụ không nhớ ngày dương lịch, chỉ nhớ ngày âm lịch thì cán bộ y tế dựa vào lịch mà chuyển ngày âm sang ngày dương.

- Trong trường hợp bơm tinh trùng vào tử cung, chuyển phôi trong thụ tinh trong ống nghiệm thì ngày đầu của kỳ kinh cuối được tính là trước ngày bơm 14 ngày. Dự tính ngày sinh được tính như cách trên.

2. Khám toàn thân.

- Đo chiều cao cơ thể (lần khám thai đầu).

- Cân nặng (cho mỗi lần khám thai).

- Khám da, niêm mạc, đánh giá có phù hoặc thiếu máu hay không (cho mỗi lần khám thai).

- Đo huyết áp (cho mỗi lần khám thai).

- Khám tim phổi (cho mỗi lần khám thai).

- Khám vú.

- Khám các bộ phận khác khi có dấu hiệu bất thường.

3. Khám sản khoa.

3.1. Ba tháng đầu.

- Nắn trên mu xem đã thấy đáy tử cung chưa.

- Xem có vết sẹo phẫu thuật bụng dưới.

- Đặt mỏ vịt xem cổ tử cung có viêm không nếu nghi ngờ viêm nhiễm đường sinh dục.

- Chỉ thăm âm đạo nếu các dấu hiệu có thai chưa rõ, cần xác định thêm.

3.2. Ba tháng giữa.

- Đo chiều cao tử cung.

- Nghe tim thai khi đáy tử cung đã đến rốn (tốt nhất là bằng máy nghe tim thai nếu có).

- Cử động thai, số lượng thai, tình trạng ối.

- Nếu nghi ngờ có viêm nhiễm đường sinh dục nên quan sát âm đạo, cổ tử cung qua đặt mỏ vịt.

3.3. Ba tháng cuối.

- Tốt nhất nên khám thai mỗi tháng một lần.

- Đo chiều cao tử cung/vòng bụng.

- Nắn ngôi, thế (từ thai 36 tuần tuổi).

- Nghe tim thai.

- Đánh giá độ xuống của đầu (trong vòng 1 tháng trước dự kiến đẻ).

- Cử động thai, số lượng thai, tình trạng ối.

- Khi nằm nghỉ, ngủ nên nằm nghiêng và tốt hơn là nghiêng bên trái, hai chân kê gối hơi cao nếu có phù chân do ứ đọng.

- Nếu nghi ngờ có viêm nhiễm đường sinh dục cần quan sát âm đạo, cổ tử cung qua đặt mỏ vịt.

4. Tiến hành xét nghiệm và cận lâm sàng khác.

4.1. Thử protein nước tiểu.

- Lấy nước tiểu buổi sáng, giữa dòng.

- Ở tuyến xã có thể dùng que thử protein (so với gam màu mẫu) hoặc dùng phương pháp đốt.

- Thử nước tiểu cần làm cho mọi thai phụ vào mỗi lần thăm thai.

- Nếu có sẵn que thử, nên hướng dẫn thai phụ tự làm.

4.2. Thử huyết sắc tố

4.3. Các xét nghiệm khác.

- Xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nếu cần, càng sớm càng tốt.

- Nếu có thiếu máu thì xét nghiệm phân xem có giun không.

- Tại tuyến huyện, xã có trang bị phải thử thêm nhóm máu, hematocrit, tiểu cầu, sinh sợi huyết, chức năng gan và chức năng thận.

- Xét nghiệm khí hư (nếu nghi ngờ có nhiễm trùng đường sinh sản).

- Đối với người có nguy cơ thấp: Thai 24 tuần cần làm xét nghiệm tăng đường huyết (XNTĐH). Nếu XNTĐH dương tính cần khám chuyên ngành nội khoa kết hợp với thăm khám thai định kỳ

- Đối với người có nguy cơ cao (bố hoặc mẹ có bệnh tiểu đường, thai phụ béo phì…): trong 3 tháng đầu cần xét nghiệm đường huyết, HbA1C và làm nghiệm pháp tăng đường huyết. Xét nghiệm lại lần 2 khi thai 24 tuần (hoặc 3 tháng giữa) và lần 3 vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu XNTĐH dương tính cần khám chuyên ngành nội khoa kết hợp với thăm khám thai định kỳ

- Chẩn đoán sớm tiền sản giật bằng xét nghiệm chẩn đoán Elecsys sFlt-1/PlGF ở tuổi thai 25-28 tuần.

- Siêu âm và các xét nghiệm sàng lọc trước sinh:

+ Siêu âm lần 1: nên làm khi thai khoảng 11-13 tuần, để xác định chính xác tuổi thai và sàng lọc dị tật.

Nếu có điều kiện: thực hiện sàng lọc và chẩn đoán trước sinh các bất thường số lượng nhiễm sắc thể 21, 18, 13 của thai nhi dựa trên độ dày khoảng mờ da gáy trên siêu âm và xét nghiệm double test (nồng độ PAAP-A và β-hCG tự do trong huyết thanh người mẹ) để phát hiện những thai nghén có nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể.

+ Siêu âm lần 2: nên làm khi thai khoảng 20-24 tuần, phát hiện các dị tật của thai
Nếu có điều kiện: xét nghiệm triple test vào tuổi thai 16-18 tuần (AFP, β-hCG và estradiol huyết thanh).

Nếu xét nghiệm triple test (+): tư vấn chọc hút nước ối chẩn đoán nhiễm sắc đồ của thai nhi.

+ Siêu âm lần 3: nên làm khi tuổi thai 30-32 tuần: đánh giá tình trạng nước ối; tim, đường tiêu hóa và não thất của thai nhi.

Lưu ý: nghiêm cấm cung cấp thông tin về giới tính thai nhi cho thai phụ.

5. Tiêm phòng uốn ván.

- Đối với phụ nữ nếu chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin có thành phần uốn ván thì lịch tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván gồm 5 mũi như sau:

+ Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc trong độ tuổi sinh đẻ.

+ Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1.

+ Lần 3: Iít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc thời kỳ có thai lần sau.

+ Lần 4: Iít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc thời kỳ có thai lần sau.

+ Lần 5: Iít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc thời kỳ có thai lần sau.

- Nếu khoảng thời gian giữa các liều tiêm bị chậm, vượt quá khoảng thời gian theo lịch tiêm chủng thì tiêm mũi tiếp theo mà không cần tiêm lại từ đầu

6. Cung cấp thuốc thiết yếu.

- Thuốc sốt rét (vùng sốt rét lưu hành) theo phác đồ quy định của ngành sốt rét.

- Viên sắt/folic:

+ Uống ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai đến hết 6 tuần sau đẻ. Tối thiểu uống trước đẻ 90 ngày.

+ Nếu thai phụ có biểu hiện thiếu máu rõ, có thể tăng từ liều dự phòng lên liều điều trị 2-3 viên/ngày.

+ Việc cung cấp viên sắt/acid folic cần được thực hiện ngay từ lần khám thai đầu. Kiểm tra việc sử dụng và cung cấp tiếp trong các lần khám thai sau.

7. Giáo dục sức khỏe.

7.1. Dinh dưỡng.

Chế độ ăn khi có thai.

- Lượng tăng ít nhất 1/4 (tăng số bữa ăn và số lượng cơm, thức ăn trong mỗi bữa).

- Tăng chất: đảm bảo cho sự phát triển của mẹ và con (thịt, cá, tôm, sữa, trứng, đậu lạc, vừng, dầu ăn, rau quả tươi).

- Uống ít nhất 02 lít nước mỗi ngày (sữa + nước hoa quả + nước lọc) cho đến hết thời kỳ cho con bú.

- Không nên ăn mặn, nên thay đổi món để ngon miệng.

- Không hút thuốc lá, uống rượu.

- Không uống thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc.

- Tránh táo bón bằng chế độ ăn hợp lý, không nên dùng thuốc chống táo bón.

7.2. Chế độ làm việc khi có thai.

- Làm theo khả năng, xen kẽ nghỉ ngơi nhưng không quá nặng nhọc, tránh làm ban đêm (nhất là từ tháng thứ bảy).

- Không làm việc vào tháng cuối để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và để con tăng cân.

- Không mang vác nặng trên đầu, trên vai.

- Không để kiệt sức.

- Không làm việc dưới nước hoặc trên cao.

- Không tiếp xúc với các yếu tố độc hại.

- Tránh đi xa, tránh xóc xe hay va chạm mạnh.

- Quan hệ tình dục thận trọng.

- Duy trì cuộc sống thoải mái, tránh căng thẳng.

- Ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày. Chú trọng ngủ trưa.

7.3. Vệ sinh khi có thai.

- Nhà ở phải thoáng khí sạch sẽ, tránh ẩm, nóng, khói.

- Mặc quần áo rộng và thoáng.

- Tắm rửa thường xuyên, giữ sạch vú và bộ phận sinh dục hàng ngày.

- Tránh bơm rửa trong âm đạo.

8. Ghi chép sổ và phiếu khám thai, phiếu hẹn.

- Ghi Sổ khám thai.

- Ghi vào Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em (nếu có) hoặc vào Phiếu khám thai đang sử dụng ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Lưu ý: khi ghi chép, ngoài tình hình thai phụ và các số liệu thăm khám, đo được, nhất thiết phải ghi lại kết quả đánh giá về lần khám thai đó, các dấu hiệu quan trọng thai phụ cần tự theo dõi, tên thuốc và liều dùng, cách dùng và thời gian hẹn tái khám.

- Ở trạm y tế xã, ghi phiếu con tôm ngay từ lần khám đầu tiên gắn lên bảng “Quản lý thai”.
Trong những lần khám sau nếu phát hiện thai nghén có nguy cơ thì đánh dấu thêm vào phiếu đó. Viết phiếu hẹn khám lần sau cho thai phụ và đặt phiếu này vào hộp hẹn.

9. Kết luận - dặn dò.

Thông báo cho thai phụ biết kết quả của lần khám thai bình thường hay bất thường, tình trạng mẹ và sự phát triển của thai, những điểm cần lưu ý cho đến lần khám tiếp theo.

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần xử trí nếu cơ sở đủ điều kiện. Ở trạm y tế xã hoặc những cơ sở chưa đủ điều kiện, cần tư vấn và chuyển sản phụ lên tuyến trên.

Cung cấp thuốc thiết yếu và hướng dẫn cách dùng (nếu cần thiết). Dặn dò các nội dung sau đây:

9.1. Với thai ba tháng đầu.

- Hẹn tiêm phòng uốn ván.

- Hẹn khám lần 2.

- Thông báo cơ sở y tế gần nhà nhất để đến khám nếu cần.

9.2. Với thai ba tháng giữa.

- Hẹn khám lần sau.

- Hẹn tiêm phòng uốn ván (nếu chưa tiêm đủ).

9.3. Với thai ba tháng cuối.

- Hẹn khám tiếp (nếu có yêu cầu).

- Dự kiến ngày sinh, nơi sinh.

- Hướng dẫn chuẩn bị các phương tiện cho mẹ và con khi đẻ (kể cả người hỗ trợ và cho máu nếu cần thiết).

- Hướng dẫn các dấu hiệu báo động cần thăm lại ngay như đau bụng, ra huyết và phù nề.

- Hướng dẫn cách nằm, cách thở khi chuyển dạ và rặn đẻ.

- Hướng dẫn cho con bú ngay sau khi đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh.

Lưu ý:

- Trước khi kết thúc buổi khám thai, nên hỏi một số điều kết luận và dặn dò quan trọng để đảm bảo thai phụ hiểu và nhớ đúng.

- Điều trị các bệnh LTQĐTD và điều trị dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con nếu cần.

Trên đây là nội dung quy định về 9 bước chăm sóc sức khỏe trước khi sinh. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 4128/QĐ-BYT năm 2016.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào