Quy định về Đại hội đồng cổ đông trong Luật Công ty 1990
Trong năm 1992, đại hội đồng cổ đông được quy định tại Điều 37 Luật Công ty 1990 như sau:
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, gồm:
1- Đại hội đồng thành lập được triệu tập để tiến hành các thủ tục thành lập, thảo luận và thông qua Điều lệ công ty. Đại hội đồng thành lập phải có nhóm cổ đông đại diện cho ít nhất 3/4 số vốn điều lệ của công ty và biểu quyết theo đa số phiếu quá bán;
2- Đại hội đồng bất thường được triệu tập để sửa đổi Điều lệ công ty;
3- Đại hội đồng thường được triệu tập vào cuối mỗi năm tài chính hoặc bất kỳ lúc nào mà Hội đồng quản trị hoặc kiểm soát viên thấy cần thiết, để giải quyết các công việc thuộc hoạt động kinh doanh của công ty trong khuôn khổ điều lệ, trong đó có các việc chủ yếu sau đây:
a) Quyết định phương hướng, nhiệm vụ phát triển công ty và kế hoạch kinh doanh hàng năm;
b) Thảo luận và thông qua bản tổng kết năm tài chính;
c) Bầu, bãi miễn thành viên Hội đồng quản trị và kiểm soát viên;
d) Quyết định số lợi nhuận trích lập các quỹ của công ty, số lợi nhuận chia cho các cổ đông, phân chia trách nhiệm về các thiệt hại xảy ra đối với công ty trong kinh doanh;
đ) Xem xét, quyết định giải pháp khắc phục các biến động lớn về tài chính của công ty;
e) Xem xét sai phạm của Hội đồng quản trị gây thiệt hại cho công ty.
Thể thức triệu tập các Đại hội đồng, phần vốn điều lệ mà các cổ đông hoặc người được uỷ quyền tham dự phải có để các cuộc họp của Đại hội đồng có giá trị và thể thức thông qua quyết định của Đại hội đồng, phải được quy định rõ trong Điều lệ công ty.
Trên đây là nội dung quy định về Đại hội đồng cổ đông. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Công ty 1990.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật