Bảo đảm an toàn thông tin mức dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông
Bảo đảm an toàn thông tin mức dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông được quy định tại Điều 10 Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm theo Quyết định 856/QĐ-BTTTT năm 2017, cụ thể:
1. Cơ quan, đơn vị thực hiện bảo vệ thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động công vụ, thông tin có nội dung quan trọng, nhạy cảm hoặc không phải là thông tin công khai như sau:
a) Thiết lập phương án bảo đảm tính bí mật, nguyên vẹn và khả dụng của thông tin, dữ liệu; giám sát, cảnh báo khi có thay đổi hoặc phát hiện, ngăn chặn các tác động truy nhập, gửi, nhận dữ liệu trái phép; khuyến khích áp dụng chữ ký số để xác thực và bảo mật thông tin, dữ liệu, đặc biệt trong trường hợp cần bảo đảm chống từ chối nguồn gốc dữ liệu.
b) Mã hóa thông tin, dữ liệu khi lưu trữ trên hệ thống lưu trữ/thiết bị lưu trữ dữ liệu di động bằng giải pháp do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận sử dụng; thiết lập phân vùng lưu trữ mã hóa, chỉ cho phép cá nhân có quyền, trách nhiệm truy nhập, lưu trữ dữ liệu trên phân vùng mã hóa.
c) Triển khai hệ thống/phương tiện lưu trữ độc lập với hệ thống lưu trữ trên các máy chủ dịch vụ để sao lưu dự phòng; phân loại và quản lý thông tin, dữ liệu được lưu trữ theo từng loại/nhóm thông tin được gán nhãn khác nhau; thực hiện sao lưu, dự phòng các thông tin, dữ liệu cơ bản sau: tập tin cấu hình hệ thống, ảnh hệ điều hành máy chủ, cơ sở dữ liệu; dữ liệu, thông tin nghiệp vụ.
d) Bố trí máy tính riêng không kết nối mạng, đặt mật khẩu, mã hóa dữ liệu và các biện pháp bảo mật khác bảo đảm an toàn thông tin để soạn thảo, lưu trữ dữ liệu, thông tin và tài liệu quan trọng ở các mức độ mật, tối mật, tuyệt mật.
2. Cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động chia sẻ, gửi, nhận thông tin, dữ liệu trong hoạt động nội bộ của mình; khuyến cáo việc chia sẻ, gửi, nhận thông tin trên môi trường mạng cần phải sử dụng mật khẩu để bảo vệ thông tin.
3. Đối với hoạt động trao đổi thông tin, dữ liệu với bên ngoài, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện trao đổi thông tin, dữ liệu ra bên ngoài phải cam kết và có biện pháp bảo mật thông tin, dữ liệu được trao đổi; yêu cầu bên ngoài đáp ứng các thỏa thuận kết nối, bảo vệ thông tin phù hợp với quy định về bảo đảm an toàn thông tin của Bộ; thiết lập chức năng phát hiện dữ liệu đính kèm có phần mềm độc hại, cơ chế bảo mật truyền thông không dây, mã hóa thông tin, dữ liệu trước khi truyền đưa, trao đổi trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.
4. Giao dịch trực tuyến phải được truyền đầy đủ, đúng địa chỉ, tránh bị sửa đổi, tiết lộ hoặc nhân bản một cách trái phép; sử dụng các cơ chế xác thực mạnh, chữ ký số khi tham gia giao dịch, sử dụng các giao thức truyền thông an toàn.
Trên đây là tư vấn về bảo đảm an toàn thông tin mức dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn hãy tham khảo tại Quyết định 856/QĐ-BTTTT năm 2017. Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật